Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HYANG KA (HƯƠNG CA) TRONG “TAM QUỐC DI SỰ” (Phần 4)

Đăng ngày:

Bài Hương ca thứ năm thuộc câu chuyện “Xử Dung lang và Vọng Hải tự”.

 

Truyện kể rằng:

Vào đời Heon Kang Dae Wang (Hiến Khang Đại Vương), đời thứ 49, từ kinh thành cho đến cửa Đông Hải, nhà cửa mọc lên san sát, mái chạm vào nhau, đến một túp lều tranh cũng không có. Trên đường, âm nhạc và tiếng hát réo rắt không ngừng, bốn mùa mưa thuận gió hòa. Khi đó, nhà vua đến chơi ở Kae Un Po (Khai Vân phố) chính là Ul Ju (Úy Châu) ngày nay, nằm ở phía Tây Nam Hak Seong (Hạc thành) chuẩn bị trở về. Khi nhà vua đang nghỉ bên bến nước, đột nhiên, mây và sương mù bao phủ khiến mọi thứ tối đen, không nhìn thấy đường. Nhà vua thấy quái lạ liền hỏi tả hữu thì quan phụ trách thiên văn tâu rằng:

- Việc này do rồng ở Đông Hải tạo ra. Nếu ta làm việc thiện thì sẽ hóa giải được.

Thế là nhà vua lệnh cho quan Hữu Ty xây chùa ở gần đấy cho rồng. Mệnh lệnh vừa ban ra thì sương tan, mây tạnh. Vì vậy, nơi đó được đặt tên là Khai Vân phố [nghĩa là bến rẽ mây].

Rồng ở Đông Hải vui mừng, dẫn 7 người con trai đến trước xa giá tấu nhạc và nhảy múa ca tụng công đức. Trong số đó, có một người theo xa giá nhà vua về đến kinh đô, giúp vua việc triều chính. Tên người đó là Xử Dung. Nhà vua vì muốn giữ Xử Dung lại nên ban mỹ nữ cho làm vợ và phong chức Cấp Cán. Vợ của Xử Dung rất xinh đẹp nên được Yeok Sin (Dịch thần[1]) hâm mộ. Đêm đến, Dịch thần biến hóa thành người, lén vào nhà Xử Dung ngủ.

Xử Dung từ ngoài trở về nhà thấy cảnh hai người đang ngủ nên đã làm một bài hát, vừa hát vừa nhảy múa rồi lui ra. Bài hát này chính là “Xử Dung ca” (처용가). Bài hát như sau:

 

Đông Kinh, trăng tỏ, chơi đến sáng,

Trở về nhìn thấy có bốn chân.

Hai chân của ta, hai chân nữa của ai?

Vốn dĩ của ta, giờ sao lại mất?

Khi đó, Dịch thần hiện hình, quỳ trước Xử Dung và nói rằng:

- Tôi vì hâm mộ vợ của ngài mà xâm phạm. Ngài chẳng những không tức giận lại cảm thán và hành xử cao đẹp. Có thần phật chứng giám, từ nay về sau, chỉ cần nhìn thấy chân dung của ngài, tôi tuyệt đối không bước vào cửa đó.

Vì thế, người dân dán hình Xử Dung lên cửa để ngăn chặn cái ác, chào đón điềm lành.

 

Theo Hyang–ca (hương ca), sự lãng mạn và bi ai của người Shilla trong tác phẩm “Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX”, để hiểu đúng bài ca này thì cần phải tìm hiểu rõ ràng hơn về xã hội Shilla vào thời vua Hiến Khang trị vì, tức bối cảnh lịch sử mà Xử Dung sinh sống. Đó là vào cuối thời kỳ Shilla, tuy một mặt được ca ngợi là giàu có và thịnh vượng, nhưng mặt khác đã nảy sinh các chứng bệnh đồi bại và xa xỉ.

Theo như câu chuyện trên, Xử Dung là con trai của Long vương, được coi như những thế lực địa phương. Như vậy, việc vua Hiến Khang đưa Xử Dung về kinh rồi cất nhắc lên, ban cho chức tước có thể coi là một phương tiện, một cách thức để xoa dịu và khống chế một dạng thế lực địa phương.

Xử Dung là hình tượng đại diện cho sức sống của văn hóa địa phương lành mạnh, đối lập với lối sống suy đồi ở kinh đô. Xử Dung được đưa về kinh đô, được thăng chức quan và được thành hôn với một cô gái đẹp nhưng Xử Dung đã không thích ứng được với cuộc sống đô thành, rồi dần dần phải phiêu dạt đến vùng đất khác.

Mặt khác, sự phụ tình của vợ Xử Dung đã cho thấy sự đồi bại của xã hội thượng lưu. Con người thật của Dịch thần cũng là một trong những công tử sa đọa trong giới thượng lưu trụy lạc.

Như vậy, những tình tiết trong Xử Dung ca đã phản ánh sự đánh mất sức sống của Shilla thống nhất thời kỳ đầu, một đất nước giàu có và phồn thịnh, nay đã nảy sinh bệnh tật và chuyển dần sang quá trình suy thoái.

Lương Hồng Hạnh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Theo:

Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.

Hyang–ca (hương ca), sự lãng mạn và bi ai của người Shilla, “Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX”, Komisook – Jungmin – Jung Byung Sul, biên dịch và chú giải: Jeon Hye Kyung, Lý Xuân Chung; 2006, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

 



[1] Thần Ôn Dịch.


Scroll To Top