Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HYANG KA (HƯƠNG CA) TRONG “TAM QUỐC DI SỰ” (Phần 2)

Đăng ngày:

Bài Hương ca thứ hai xuất hiện trong câu chuyện “Thủy Lộ phu nhân”.

 

Truyện kể rằng:

Vào thời Thánh Đức Vương, Sun Jeong Kong (Thuần Trinh công) được bổ nhiệm làm Thái thú ở Kang Reung (Giang Lăng), Myeong Ju (Minh Châu) ngày nay. Trên đường đi, ông nghỉ chân ở bờ biển để ăn trưa. Cạnh đó, có những tảng đá bao quanh như một tấm bình phong, trên cao, hoa đỗ quyên nở rực rỡ. Phu nhân của Thuần Trinh công là Su Ro (Thủy Lộ)[1] nhìn thấy vậy liền nói với đám người xung quanh:

- Ai sẽ ngắt đóa hoa kia dâng lên ta?

Những người đi theo nói rằng:

- Đó là nơi mà con người không thể lên được.

Tất cả mọi người không ai dám đi. Khi đó, có một ông lão dắt theo một con bò cái đi qua, nghe thấy vậy liền ngắt bông hoa đó và làm một bài ca dâng lên phu nhân.

Ông lão đó là ai thì không người nào biết.

Còn bài ca mà ông lão viết tặng Thủy Lộ phu nhân có nội dung như sau:

 

HIẾN HOA CA (헌화가)

Vách đá cheo leo, đỗ quyên đỏ thắm,

Thấy nàng muốn hái, ta thả bò đi.

Nếu nàng không chút ngượng ngùng,

Hoa ấy tặng nàng, ta hái.

(Lý Xuân Chung dịch)

 

Theo Hyang–ca (hương ca), sự lãng mạn và bi ai của người Shilla trong tác phẩm “Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX”, trước sự quyến rũ và vẻ đẹp tuyệt trần của Thủy Lộ phu nhân, ông lão đã mang hết công sức và lòng nhiệt tình để làm sao có thể quyến rũ người đẹp. Lòng nhiệt thành đó đã biến ông lão trở thành chàng trai trẻ cường tráng để có thể trèo lên vách đá hiểm trở hái một nhành hoa tặng nàng. Sự tuyệt vời của ông lão là ở chỗ đó. Lại nữa, qua vật trung gian là nhành hoa đỗ quyên mà Thủy Lộ phu nhân và ông lão thôn quê cùng chung nỗi đam mê bước vào thế giới vẻ đẹp mới. Nó vượt qua lý lẽ thông thường, còn vượt qua cả ranh giới tuổi tác và giai cấp, điều đó chẳng phải đã cho thấy cách thẩm mỹ của người Shilla đó sao? Tất nhiên là đằng sau cách thẩm mỹ ấy là giấc mơ lãng mạn thoát ra khỏi sự ràng buộc về thân phận để đạt được mục đích.

Lương Hồng Hạnh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Theo:

Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.

Hyang–ca (hương ca), sự lãng mạn và bi ai của người Shilla, “Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX”, Komisook – Jungmin – Jung Byung Sul, biên dịch và chú giải: Jeon Hye Kyung, Lý Xuân Chung; 2006, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

 



[1] Tương truyền Thủy Lộ Phu nhân là một giai nhân tuyệt sắc, cứ mỗi khi đi qua một ngọn núi cao hay một cái ao lớn thì lại bị thần vật bắt đi.


Scroll To Top