Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NGUYÊN NHÂN TẠO NÊN HÀN LƯU

Đăng ngày:

Làn sóng Hàn Quốc (còn gọi là Trào lưu Hàn Quốc) là một thuật ngữ được dịch từ tiếng Hàn là Hallyu (한류), có nghĩa là sự thịnh hành những giá trị văn hóa của Hàn Quốc ở nước ngoài. Song, thuật ngữ này không phải do người Hàn Quốc đặt ra mà do người Trung Quốc nêu ra từ những năm đầu thế kỷ 21 bởi sự hâm mộ cuồng nhiệt của đông đảo người dân Trung Quốc đối với phim truyền hình, thời trang, mỹ phẩm Hàn Quốc... Hai chữ Hán 韓流 (Hán líu: Hàn lưu) du nhập sang Hàn Quốc, lại phù hợp với từ gốc Hán mà người Hàn sử dụng nên người Hàn dễ dàng tiếp nhận rồi biến nó thành một khái niệm mới mà ngày nay mọi người thường sử dụng.

Phạm vi ảnh hưởng của Hàn lưu rất rộng lớn, từ Đông sang Tây, từ châu Á đến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, song, đậm nét nhất là châu Á, trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam luôn ở trong “tốp đầu”. Vậy nguyên nhân nào tạo nên Hàn lưu? Nguyên nhân thì có nhiều, song quan trọng nhất là những nguyên nhân dưới đây:

Thứ nhất, nguyên nhân có tính chất căn bản, mang ý nghĩa sâu xa là sự tăng trưởng kinh tế và xã hội dân chủ, tự do.

Khi Hàn Quốc đã hóa rồng về mặt kinh tế và có sự chuyển đổi từ xã hội dưới sự kiểm soát của chế độ độc tài sang xã hội dân sự, thực hiện dân chủ, tự do thì tạo ra một nền tảng cho sự thay đổi nhanh chóng về mặt nhận thức và nhu cầu đối với văn hóa giải trí, thư giãn. Khi Hàn Quốc hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa thì hướng phát triển mới cũng được đặt ra, trong đó, ngành công nghiệp văn hóa được coi trọng, cụ thể hơn là đối với ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc đã có các định chế tài chính tốt hơn. Khi đời sống xã hội trở nên dân chủ hơn và cởi mở hơn thì cảm thụ nghệ thuật cũng đổi thay, chuyển dần sang giải trí, thưởng thức.

Thứ hai, đó là sự ủng hộ và quan tâm của chính phủ Hàn Quốc trong lĩnh vực “xuất khẩu” văn hóa ra nước ngoài. Với mục tiêu “Đưa nền văn hóa của Hàn Quốc đến gần hơn với nhân dân các quốc gia khác”, chính phủ Hàn Quốc đã dọn đường cho các nghệ sĩ của họ tiếp thị văn hóa đến khắp mọi nơi. Sự đẩy mạnh quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra thế giới là cả một chiến lược mang tầm quốc gia; là sự thống nhất của cả dân tộc trong nỗ lực giới thiệu, tuyên truyền quảng bá hình ảnh văn hóa, phong tục tập quán đất nước mình đến với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Thứ ba, cùng với sự mở cửa thực sự sau Thế vận hội 1988 và hòa nhập với xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa, các sinh viên du học nước ngoài trở về đã mang theo những ý tưởng mới mà họ học tập, tiếp thu được, không chỉ riêng trong lĩnh vực chuyên môn thuần túy mà cả trong điện ảnh, âm nhạc, ẩm thực... Những ý tưởng mới đã giúp ích cho thế hệ trẻ Hàn Quốc trong khả năng sáng tạo. Khả năng sáng tạo cộng với khát khao cống hiến của thế hệ trẻ sau khi tu nghiệp ở nước ngoài trở về đã tạo ra một sự đột phá trong việc làm phim và sáng tác âm nhạc: tự tin trong sáng tác và nhanh chóng cho ra mắt tác phẩm.

Theo thông lệ, để làm phim, họ phải  làm việc nhiều năm dưới trướng một đạo diễn thành danh, mất một thời gian tập sự, nhưng các nhà làm phim trẻ này không chịu chờ đợi và làm theo lối mòn của các bậc “tiền bối”, họ muốn có tác phẩm ngay và mang phong cách mới. Sự đột phá này đã được thực tế chứng minh là thành công dẫu đã bị nhiều “tiền bối” chê trách sự bất kính của các đạo diễn trẻ.

Thứ tư, ý thức “xuất khẩu” đã được định hình và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, bởi thế, không chỉ đơn thuần là quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra thế giới mà vươn xa hơn nữa là xuất khẩu văn hóa, trước hết là phim truyền hình rồi đến âm nhạc, ẩm thực, thời trang...

Ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc đi sau Mỹ và Nhật Bản, song, với kinh nghiệm của một quá trình “hướng ra thế giới” trong việc xuất khẩu hàng hóa, Hàn Quốc đã tìm ra cho mình một hướng đi đúng, tiến thẳng tới những vùng miền cần khai thác, trước hết là khu vực châu Á và những nơi có Hàn kiều sinh sống. Thực tế chứng minh, ngoài giá trị văn hóa, giá trị vật chất mà Hàn Quốc thu về cũng đạt tới con số hàng tỷ đô la, chiếm tỷ trọng nhất định trong thu nhập quốc dân.

Thứ năm, đó là sự chuẩn bị nghiêm túc, đào tạo bài bản kết hợp với sự nỗ lực quên mình của các “ngôi sao”.

Để trở thành một ngôi sao, ngoài năng khiếu về chất giọng tốt, khả năng vũ đạo và ngoại hình đẹp, sau khi được tuyển chọn, các nghệ sĩ phải trải qua một chương trình đào tạo vô cùng khắc nghiệt trong một thời gian khá dài, ít nhất là từ 2 đến 3 năm, nhiều thì phải từ 7 đến 8 năm. Các nghệ sĩ này không chỉ biết hát, nhảy múa mà còn phải biết diễn xuất và thông thạo tiếng Anh.

Thứ sáu, đó là chiến lược marketing đến khách hàng được thực hiện rất chuyên nghiệp và không ngại tốn kém trong chi phí. Ngoài ra, cũng phải kể đến sức mạnh truyền thông của quốc tế thông qua các trang mạng, nổi bật là video Youtube.

Sau cùng không thể không đề cập tới nét tương đồng về văn hóa trong khu vực châu Á, trong đó, Hàn Quốc với Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam được coi là đậm nét nhất. Đây là khu vực đồng văn, là nơi dễ tiếp nhận những bộ phim truyền hình Hàn Quốc mang đậm tính nhân văn cao cả mang nét văn hóa đặc trưng của châu Á. Ảnh hưởng của Nho giáo và những giá trị của Nho giáo vẫn hiện hữu ở những nước nêu trên, bởi thế, khi phim truyền hình Hàn Quốc khai thác tốt những giá trị đó thì được đông đảo khán giả dễ dàng tiếp nhận.

 

Hàn lưu trước tiên là một hiện tượng ngẫu nhiên đã bùng phát ở Trung Quốc, ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trong giới trẻ mà còn làm rung động hàng triệu trái tim người Trung Quốc, cải thiện đáng kể về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Hàn Quốc trong tâm khảm đông đảo người dân Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, ảnh hưởng của Hàn lưu ngày một sâu đậm và mạnh mẽ , thậm chí, người Nhật Bản đôi lúc còn cho rằng, nó đã vượt qua khỏi phạm vi văn hóa giải trí, lan sang văn hóa chính trị và sự ảnh hưởng đó không bền vững. Còn đối với Việt Nam, Hàn lưu tuy chịu ảnh hưởng muộn hơn so với Trung Quốc, Nhật Bản nhưng cũng rất sâu đậm và có sự chọn lọc. Bởi thế, sự tiếp nhận Hàn lưu ở Việt Nam mang tính bền vững. Hàn lưu có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ như đã nêu trên là bởi có những nguyên nhân sâu xa mà bài viết đă chỉ ra. Tuy vậy, đã gọi là “Làn sóng” thì có lúc lên cao, lúc xuống thấp và hiện nay đã thoái trào. Sự thoái trào đó không thể coi là sự chấm dứt và với nguyên nhân tạo ra “ Làn sóng” nêu trên thì sự  trở lại của Hàn lưu là điều có thể hiểu được.

Lý Xuân Chung

Trung Tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo

  1. Byung – Naksong; Kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy; Nxb Thống kê 2002.
  2. Dương Phú Hiệp – Ngô Xuân Bình (đồng chủ biên); Hàn Quốc trước thềm thế kỷ XXI; Nxb Thống kê; Hà Nội 1999.
  3. Kim Myeong Hee: Hàn lưu giữa ngã ba đường – hiện trạng và những tồn tại của Hàn lưu: Tạp chí Hàn Quốc số 2/2012.
  4. Lịch sử Hàn Quốc; Nxb Đại học Seoul (Bản Tiếng Việt)
  5. Xã hội Hàn Quốc hiện đại; Nxb ĐHQG Hà Nội 2009.

 

 

_


Scroll To Top