Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VÀ CÁCH TIẾP CẬN CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI HỘI NHẬP KHU VỰC ĐÔNG Á (Phần 1)

Đăng ngày:

Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á là một động lực đáng kể giúp Hàn Quốc đẩy mạnh chủ nghĩa hội nhập ở Đông Á theo hướng tiếp cận liên chính phủ tới xây dựng thể chế và quản trị. Trước đó, Hàn Quốc chủ yếu tập trung khai thác lợi ích quốc gia thông qua hợp tác Thái Bình Dương. Vì vậy, khi Thủ tướng Malaysia Mahathir đưa ra ý tưởng thành lập Nhóm Kinh tế Đông Á (EAEG) thì Hàn Quốc và Nhật Bản đã nghi ngờ về điều này và họ quan tâm nhiều hơn tới quan hệ kinh tế và chính trị mật thiết của họ với Mỹ. Cuộc khủng hoảng tài chính 1997 đã làm thay đổi nhận thức này ở Seoul. Trước đây, mối quan tâm chủ yếu của Hàn Quốc tập trung vào Đông Bắc Á và các vấn đề an ninh được định hình bởi bối cảnh của Hàn Quốc, một quốc gia chia cắt dưới sự đe dọa thường trực từ phía Bắc, thì nay, tình hình kinh tế và chính trị đã thay đổi sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997. Một số nhận định cho rằng, nhờ có cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á mà nhà lãnh đạo Kim Dae-chung mới thắng cử tổng thống vào năm 1998. Trong giai đoạn này, chính quyền tổng thống Kim (1998-2002) là chính quyền đầu tiên của Hàn Quốc ủng hộ và thúc đẩy sáng kiến cộng đồng khu vực Đông Á. Park Young-june đánh giá rằng, Tổng thống Kim Dae-jung là nhà lãnh đạo Hàn Quốc tích cực nhất trong việc xây dựng các thể chế khu vực và một mạng lưới hợp tác. Ngay cả Nhật Bản và Trung Quốc cũng ghi nhận những đóng góp của Tổng thống Kim. Sự thay đổi này đã thể hiện rất rõ qua việc Seoul đưa ra một khái niệm mới về biên giới địa lý ở Đông Á dựa trên khung khổ ASEAN + 3 (APT) mà không bao gồm Mỹ cũng như các nước Thái Bình Dương khác như Úc, New Zealand. Điều này hàm ý rằng, Hàn Quốc phải xem xét vị trí “chủ nghĩa khu vực mở” của mình như nó đã được theo đuổi trong phạm vi khung khổ APEC mà đã bị thâu tóm phần lớn bởi Mỹ. Trong bối cảnh này, APT đã trở thành trụ cột của chủ nghĩa khu vực Đông Á với việc bao gồm 3 nước lớn nhất của Đông Bắc Á, chiếm 90% GDP toàn khu vực. Hàn Quốc ngay lập tức hưởng ứng tích cực khung khổ mới này và trong nhiệm kỳ tổng thống Kim Dae-jung nắm quyền, chính sách hội nhập khu vực đã được thúc đẩy rất tích cực. Chủ nghĩa khu vực Đông Á đã trở thành một trong các trụ cột chính của chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, nó được xem như là một phương tiện hiện thực để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Tổng thống Kim Dae-jung nhìn nhận vấn đề bán đảo Hàn và giải pháp có thể của nó như một phần của mạng lưới khu vực rộng lớn, bao gồm các nước láng giềng khu vực Đông Bắc Á, vì vậy, ông đã tập trung nhấn mạnh vào thể chế hóa khu vực bên cạnh Chính sách Ánh Dương hướng tới Triều Tiên. Nhờ đó, nền tảng của các cuộc đàm phán 6 bên cũng được thiết lập trong giai đoạn này. Đối với Tổng thống Kim, vấn đề hợp tác khu vực và thể chế hóa cần phải được song hành với những cơ hội cải thiện quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên.

Sáng kiến đáng chú ý nhất trong số các sáng kiến nỗ lực nhằm xây dựng Cộng Đồng Đông Á là việc thiết lập Nhóm Tầm nhìn Đông Á (EAVG) mà tổng thống Kim Dae-jung đã đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh APT 1998 ở Hà Nội, cùng với việc thiết lập Nhóm Nghiên cứu Đông Á (EASG), cho phép khu vực tư nhân và khoa học được tham gia vào việc tìm kiếm cách thức thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong khối các nước APT. Nhóm nghiên cứu Đông Á đã đưa ra 26 gợi ý chính sách trên các vấn đề không chỉ có hợp tác kinh tế và tài chính mà còn bao gồm các lĩnh vực chính trị, an ninh, môi trường, năng lượng, văn hóa, giáo dục, xã hội … EASG đã đệ trình bản báo cáo cuối cùng lên Hội nghị APT diễn ra tại Cambodia vào năm 2002, trong đó gợi ý những vấn đề liên quan tới EAVG và Hội nghị Đông Á mà vài năm sau đó đã trở thành hiện thực. Trong số 17 biện pháp ngắn hạn và 9 biện pháp dài hạn của báo cáo EASG, có một số biện pháp tập trung vào vấn đề thể chế hóa khu vực như sau:

- Thiết lập một Hội đồng Kinh doanh Đông Á;

- Thiết lập một Mạng lưới Thông tin Đầu tư Đông Á;

- Xây dựng một mạng lưới chuyên gia hàng đầu Đông Á;

- Thiết lập một Diễn đàn Đông Á;

- Thiết lập các chương trình giảm nghèo;

- Tăng cường các cơ chế hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống;

- Phối hợp giữa các thể chế văn hóa và giáo dục nhằm thúc đẩy một cảm nhận mạnh mẽ, thấu đáo về khái niệm Đông Á;

- Thúc đẩy các nghiên cứu Đông Á trong khu vực;

- Thiết lập một Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Á;

- Theo đuổi nâng cấp Hội nghị ASEAN + 3 thành Hội nghị Đông Á;

- Thúc đẩy hợp tác môi trường hàng hải khu vực chặt chẽ hơn trên toàn bộ khu vực;

- Xây dựng một khung khổ cho các chính sách và chiến lược năng lượng và kế hoạch hành động.

Tiếp đến giai đoạn tổng thống Roh Moo-hyun nắm quyền, việc tập trung vào thể chế hóa khu vực đã hướng tới các nước láng giềng Đông Bắc Á của Seoul. Cách tiếp cận mới này không mâu thuẫn với các nỗ lực trước đó, như nhiều học giả Hàn Quốc đã chỉ ra, nhưng nó phản ứng lại với các mối quan tâm chiến lược và với sự cần thiết của thể chế hóa các quan hệ giữa các thế lực lớn của khu vực ở Đông Bắc Á, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Trong buổi lễ nhậm chức tổng thống, Roh Moo-hyun đã đưa ra ý tưởng “Sáng kiến Hợp tác Đông Bắc Á vì Hòa bình và Thịnh vượng” và còn nhấn mạnh vai trò của Hàn Quốc trong khung khổ này như một “trung tâm” ở Đông Bắc Á, tạo nên một Ủy ban Tổng thống đảm trách mục tiêu này dưới tên gọi ban đầu là “Trung tâm Kinh doanh Đông Bắc Á” vào năm 2003 và đổi tên vào năm 2004 thành “Sáng kiến Hợp tác Đông Bắc Á” nhằm mục tiêu thiết lập chính sách và thúc đẩy quản trị. Ngay từ những ngày đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Roh đã đưa ra một thông điệp chiến lược rằng, Hàn Quốc nên trở thành một “cầu nối” kết nối các sức mạnh trên biển và lục địa, một trung tâm của các ý tưởng và mạng lưới liên khu vực, hợp tác xây dựng một cộng đồng khu vực hòa bình và thịnh vượng.

Sự chuyển đổi quan trọng này là phản ứng của Hàn Quốc đối với sự bế tắc trong cấu trúc sức mạnh khu vực nổi lên chủ yếu từ các chương trình ganh đua và cạnh tranh Trung – Nhật mà bao hàm hai quan điểm khác nhau về cách thức mà hội nhập Đông Á nên hướng tới. Hơn nữa, nhiều người cho rằng, chỉ có Seoul mới có thể đảm trách vai trò như một trung gian khu vực giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Trung Quốc và Nhật bản không mong muốn hợp tác về các vấn đề khu vực, với quan hệ song phương nóng lạnh thất thường đã kéo họ đi các hướng khác nhau trong việc xây dựng Cộng đồng Đông Á (EAC). Những mâu thuẫn chủ yếu của họ đã được nêu ra tại cuộc họp đầu tiên của EAS, khi Nhật Bản yêu cầu có sự tham gia của Úc và New Zealand nhưng Trung Quốc thì phản đối. Trong tình hình đó, có vẻ như vai trò cân bằng của sức mạnh trung gian như Hàn Quốc lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nếu khu vực thực sự muốn hình thành EAC. Tuy nhiên, vẫn còn có sự nghi ngại rằng Hàn Quốc như một sức mạnh trung gian, trên thực tế đã không thành công trong việc khẳng định mình như một nhà lãnh đạo trong các vấn đề khu vực, bởi vì khu vực này bị chi phối bởi một loạt các sức mạnh lớn. Điều đó có nghĩa là Seoul vẫn còn gặp khó khăn trong việc gây ảnh hưởng đối với sự phát triển của cấu trúc hiện hữu ở khu vực.

 

Võ Hải Thanh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Byung-Woon Lyou, Building the Northeast Asian Community, Indiana Journal of Global Legal Studies, Issue 2 Volume 11, 2004.

2. Han Sung-Joo, Korea, ASEAN, and East Asian Community, Korea University, 2009.

3. José Guerra Vio, Institutionalizing East Asia: South Korea’s Regional Leadership as a Middle Power, National Chengchi (Politics) University, Taiwan (NCCU), 2012.

4. Kim Young Chul and Chang Gun Park, The Financial Crisis and Regional Institutionalization in East Asia, 2006.

5. Randall S. Jones and Taesik Yoon, Enhancing The Globalisation of Korea, ECO/WKP, OECD Economics Department Working Papers, 2008.


Scroll To Top