Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHUYỂN GIAO LÃNH ĐẠO Ở HÀN QUỐC VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN AN NINH KHU VỰC (Phần 1)

Đăng ngày:

1. Chuyển giao lãnh đạo ở Hàn Quốc và tính chất của chính phủ mới

Sau khi giành thắng lợi quá bán ở cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2012, ngày 25 tháng 2 năm 2013, nữ ứng cử viên đảng Saenuri cầm quyền Park Geun - hye chính thức trở thành Tổng thống Hàn Quốc. Nhìn từ bên ngoài, sự chuyển giao lãnh đạo ở Hàn Quốc hiện nay là sự chuyển giao quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền. Sự chuyển giao quyền lực trong nội bộ một đảng ở Hàn Quốc liệu có thể đưa tới những tác động đến các lĩnh vực khác, trong đó, có các vấn đề an ninh khu vực hay không? Do đó, trước khi tìm hiểu những tác động của sự chuyển giao lãnh đạo ở Hàn Quốc cần phải xem người lãnh đạo và chính phủ mới Hàn Quốc so với chính phủ trước đó có sự khác biệt hay không?

Về bản thân Tân Tổng thống Park Geun - hye, bà là người luôn thể hiện sự khác biệt với Tổng thống tiền nhiệm Lee Myung - bak. Bà là người không tán đồng nhiều chính sách của cựu Tổng thống Lee. Tuy bà đã thôi các chức vụ chủ chốt như Chủ tịch đảng cầm quyền nhưng trong nội bộ đảng cầm quyền đã chia rẽ thành hai phái là phái Thân Park (tức Park Geun - hye) và phái Thân Lee (tức Lee Myung - bak). Hai phái này cạnh tranh và mâu thuẫn với nhau rất kịch liệt trong nội bộ đảng cầm quyền. Khi được bầu là Chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp của đảng cầm quyền, bà đã yêu cầu đổi tên đảng cầm quyền từ đảng Đại Dân tộc thành đảng Saenuri (Đảng Thế giới mới). Đảng này đã chấm dứt hơn 14 năm tồn tại của Đảng bảo thủ số 1 Hàn Quốc- đảng Đại Dân tộc với hình ảnh mới, gần gũi với đại chúng hơn. Là con gái của cố tổng thống độc tài Park Chung - hee, bà từng rút lui khỏi đảng Đại Dân tộc vì trong đảng phê phán cha mình, nhưng cũng chính bà là người cố gắng tiếp xúc với những người đã từng là nạn nhân trong chế độ độc tài. Đặc biệt, năm 2002, trong thời gian xin ra khỏi Đảng bảo thủ, bà đã sang thăm CHDCND Triều Tiên và gặp gỡ với Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong - il. Bà là người duy nhất của Đảng bảo thủ Đại Dân tộc có tiếp xúc với Kim Jong - il. Do đó, chính sách đối với CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Park Geun - hye chắc chắn được xây dựng trên một quan điểm mới và cởi mở hơn.

Tân Tổng thống Park Geun - hye đã đưa ra một tổ chức cơ cấu chính phủ với bộ mới sáng lập là Bộ Khoa học sáng tạo tương lai. Bộ này là điểm nhấn quan trọng trong chính phủ mới của bà. Do đó, tên gọi của chính phủ mới được cân nhắc là “Chính phủ Sáng tạo”, “Chính phủ Dân sinh” hay “Chính phủ Quốc dân hạnh phúc”. Nhưng cuối cùng, tên gọi của chính phủ mới Hàn Quốc hiện nay được chính thức gọi là “Chính phủ Park Geun - hye”. Chính phủ tiền nhiệm cũng đã có một cái tên tương tự là “Chính phủ Lee Myung - bak” từng đã nhận được ý kiến cho rằng mang tính cá nhân, không rõ ràng. Trong khi đó, các chính phủ của các Tổng thống thuộc phái dân chủ thì có tên là “Chính phủ dân sự”, “Chính phủ Quốc dân”, “Chính phủ Tham gia” thể hiện tính chất và đặc trưng trong triết lý hoạt động của mình.

Rõ ràng, Lãnh đạo mới của Hàn Quốc hiện nay hướng tới một xu hướng chính trị mới, tuy vẫn không thể thoát khỏi một số ràng buộc của quá khứ nhưng muốn nỗ lực để bớt bảo thủ và cứng nhắc hơn, tin cậy và gần gũi hơn. Sự phức hợp trong tính chất của lãnh đạo mới Hàn Quốc sẽ thể hiện trong chính sách. Do đó, những tác động của sự chuyển giao lãnh đạo mới ở Hàn Quốc đối với an ninh khu vực được xem xét ở đây thực chất là những tác động của những quan điểm chính trị, quan điểm chính sách đối với CHDCND Triều Tiên của lãnh đạo mới. Do chính sách của chính phủ mới có tính phức hợp nên những tác động của sự chuyển giao lãnh đạo ở Hàn Quốc đến vấn đề an ninh khu vực Đông Bắc Á cũng có khả năng sẽ mang tính phức hợp.

2. Chính sách phức hợp đối với CHDCND Triều Tiên của chính phủ Park Geun - hye

Chính sách đối với CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Park Geun – hye được xây dựng trong thời kỳ vận động tranh cử tổng thống vào cuối năm 2012. Chính sách này có điểm tương đồng với chính sách của cựu Tổng thống Lee Myung -bak ở chỗ tiếp tục coi trọng nguyên tắc chính sách có đi có lại. Tuy nhiên, chính sách của bà Park lấy việc đối thoại thay cho các biện pháp cứng rắn và để ngỏ cơ hội gặp gỡ với Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng CHDCND Triều Tiên Kim Jong - un. Đối với việc mở cửa trở lại khu du lịch núi Kim Cương, quan điểm của bà Park là cần một lời xin lỗi cầu thị từ phía Bình Nhưỡng.

Trong bài phát biểu nhậm chức, Tân Tổng thống Park Geun – hye bày tỏ “không dung nạp hành động uy hiếp an toàn của Đại Hàn Dân Quốc và sinh mệnh của người dân” và kêu gọi “từng bước, từng bước xây dựng lòng tin” qua đối thoại và giữ gìn lời hứa giữa hai miền.

Quy trình xây dựng lòng tin trên bán đảo Hàn (Korean Peninsula Trust-building Process) đã được Chính phủ Park Geun – hye công bố trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên bán đảo những ngày qua. Theo chính phủ Hàn Quốc, “trong trung và dài hạn, Hàn Quốc sẽ nỗ lực xây dựng cơ sở thực hiện Quy trình Xây dựng lòng tin trên bán đảo Hàn trên nền tảng một nền an ninh vững mạnh”, “…lập trường về một nền an ninh vững mạnh là không thay đổi”, “…thông qua những đáp trả mạnh mẽ và kiên quyết mới có thể xây dựng hạnh phúc thực sự cho nhân dân” (Phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 13.03.2013).

Quan điểm trên về chính sách đối với CHDCND Triều Tiên cho thấy, Hàn Quốc chủ trương thực hiện hai vế song song, một mặt vẫn giữ vững thái độ cứng rắn trong việc ứng phó với các dạng tấn công và một mặt là thực hiện Quy trình xây dựng lòng tin với CHDCND Triều Tiên.

Quy trình xây dựng lòng tin trên Bán đảo Hàn có các bước chủ yếu như sau:

- Giai đoạn 1: Hỗ trợ nhân đạo (bao gồm hỗ trợ lương thực)

- Giai đoạn 2: Hợp tác kinh tế Nam-Bắc trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp

- Giai đoạn 3: Đầu tư hạ tầng quy mô lớn về giao thông và thông tin viễn thông

Đồng thời, để thực hiện chính sách trên thành công, Hàn Quốc thắt chặt quan hệ đồng minh với Nhật, Mỹ và coi trọng quan hệ với Trung Quốc. Tân Tổng thống Park đã lựa chọn Mỹ là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Bà và Thủ tướng Nhật cũng đã có cuộc đàm thoại với tiêu chí “gác lại quá khứ hướng tới tương lai”, cam kết hợp tác chặt chẽ về vấn đề an ninh trên bán đảo Hàn.

Quan điểm và nội dung chính sách đối với CHDCND Triều Tiên của chính phủ Hàn Quốc cho thấy tính phức hợp bao gồm cả “cứng rắn” và “mềm dẻo”, vừa “không khoan nhượng” vừa “coi trọng đối thoại”, hay nói một cách hình ảnh là chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Tuy nhiên, sự kết hợp này được thực hiện trong cùng một thời điểm, trong cùng một vấn đề hay được áp dụng riêng rẽ thì vẫn còn là một ẩn số. Bởi vì, chính sách đối với CHDCND Triều Tiên vẫn chưa được áp dụng trong khi bộ máy chính quyền Park Geun – hye đến nay vẫn chưa kịp kiện toàn đầy đủ, phe chính trị đối lập tiếp tục phản đối và tình hình trên bán đảo Hàn đang trở nên phức tạp và căng thẳng.

Nguyễn Thị Thắm

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

 

Tài liệu tham khảo

Chính phủ Hàn Quốc, Diễn văn Nhậm chức của Tổng thống Park Geun - hye,: http://www.korea.go.kr

Chính phủ Hàn Quốc, Quyết định chính phủ mới là “Chính phủ Park Geun - hye”,: http://www.korea.go.kr

Song Jung Hoon, Chính phủ: Quy trình xây dựng lòng tin trên bán đảo Hàn - sự thay đổi thái độ của CHDCND Triều Tiên là tiền đề”, Nội dung họp báo của Phát ngôn Bộ Thống nhất ngày 13, 머니투데이, 13/03/2013.

Park Jung Gyu, Tổng thống Park điện đàm với thủ tướng Nhật, hứa hẹn “cùng hợp tác chính sách đối với CHDCND Triều Tiên”, 뉴시스, 06/03/2013.


Scroll To Top