Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TÂN LA THÙ DỊ TRUYỆN VÀ CHOE CHI-WON (THÔI TRÍ VIỄN)*

Đăng ngày:

Văn học truyền kỳ như một dòng chảy lớn của văn học tự sự Trung đại các nước Đông Á tiếp nhận ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Hán như Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Vào thời kỳ nhà Đường (Trung Quốc), tiểu thuyết truyền kỳ đã nảy sinh và phát triển rực rỡ. Tiểu thuyết truyền kỳ Du Tiên Quật của Trương Thốc Hồng đời Đường , Nhậm thị truyện của Thẩm Ký Tế…; sách Thái Bình quảng ký đời Tống bao gồm những truyện kỳ văn dị đàm… là những tác phẩm có ảnh hưởng sâu đậm và trực tiếp, rất được văn nhân Hàn Quốc thời Silla (thế kỷ VII-X) và Koryo (918-1392) yêu thích. Từ đó, những thiên truyền kỳ Silla, Koryo bắt đầu xuất hiện. Tân La thù dị truyện là tập hợp những dị văn kỳ đàm như vậy và là tập truyện truyền kỳ Hán văn sớm nhất của Hàn Quốc.

Về tên sách, tên tác giả.

Bản sách này không còn nhưng tên sách còn được ghi trong thư tịch các đời sau như Thù dị truyện(1), Tân La thù dị truyện(2), Tân La dị truyện(3). Hai tác giả ở thế kỷ XIII là Nhất Nhiên(4) và Giác Huấn cho biết tên tác phẩm là Thù dị truyện. Thích Nhất Nhiên còn cho biết, Thù dị truyện là bản cổ, người đời sau là Kim Trắc Minh đổi thành Tân La dị truyện. Theo Giác Huấn, Thù dị truyện do Phác Dần Lượng biên soạn. Các tác giả khác như Thành Nhậm, Từ Cư Chính (thế kỷ XV), Quyền Văn Hải (thế kỷ XVI), Kim Hào, Phác Dung Đại, đều cho rằng tên tác phẩm là Tân La thù dị truyện, do Thôi Trí Viễn biên soạn.

Căn cứ theo các tài liệu ghi chép còn lại, hầu hết các nhà nghiên cứu ngày nay đều nhận định rằng tác phẩm do văn nhân mạt kỳ Silla Thôi Trí Viễn (857-915) biên soạn, sau văn nhân sơ kỳ Koryo Phác Dần Lượng (? – 1096) biên soạn lại(5). Các tác giả sách Dịch chú Thù dị truyện dật văn tiếp tục nhận định rằng sách do Thôi Trí Viễn biên soạn, sau đó Phác Dần Lượng biên soạn lại, rồi cuối cùng Kim Trắc Minh chỉnh sửa lại(6). Tuy vậy, mức độ biên soạn hay sửa đổi ở từng tác giả thì chưa thể xác định.

Về số các thiên truyện.

Do sách đã mất nên không biết được có tất cả bao nhiêu thiên truyện, nhưng đến nay còn tìm thấy được nội dung của hơn 10 truyện được ghi chép rải rác trong các thư tịch của các đời sau. Cụ thể là:

1. A Đạo; 2. Viên Quang; 3. Bảo Khai; 4. Thôi Trí Viễn; 5. Chí Quỷ; 6. Nghênh Điểu - Tế Điều; 7. Thoát giải; 8. Thiện Đức nữ vương; 9. Thủ sáp thạch nam; 10. Trúc đồng mỹ nữ; 11. Lão ôn hoá cẩu; 12. Tiên nữ hồng đại; 13. Hổ nguyện; 14. Tâm hoả nhiễu tháp.

Dưới đây là nội dung của một số thiên truyện:

Trúc đồng mỹ nữ (Mỹ nữ trong ống trúc)(7).

Người anh hùng nổi tiếng thời Silla Kim Dữu Tín, một lần trên đường đi gặp một người dị thường đang ngồi nghỉ dưới gốc cây. Người ấy nhìn quanh không thấy ai liền lấy ở trong bụng ra một cái ống trúc, lắc nhẹ thì thấy hai mỹ nữ từ trong ống trúc đi ra. Ba người trò chuyện với nhau, rồi người ấy lại đưa hai mỹ nữ trở vào trong ống trúc cho vào bụng ra đi. Kim Dữu Tín lấy làm lạ bèn đuổi theo bắt chuyện và cùng người đó đi về phía kinh thành. Đến núi Nam Sơn thì bày tiệc rượu và tiếp đãi, hai mỹ nữ cũng ra dự cùng. Người đó nói với Kim Dữu Tín rằng ông ta vốn ở biển Tây, lấy vợ ở biển Đông, bây giờ đang dẫn vợ về thăm ông bà nhạc. Vừa nói dứt lời thì bỗng một trận gió to nổi lên, trời đât tối đen, người đó cùng hai mỹ nữa tự nhiên biến mất.

Tâm hoả nhiễu tháp (Lửa tình thiêu cháy bảo tháp)(8).

Một người Silla tên là Chí Quỷ thầm yêu Thiện Đức nữ vương xinh đẹp. Nhân ngày nữ vương vào miếu dâng hương, Chí Quỷ bèn trèo vào trong miếu và nấp ở dưới tháp, trong lúc chờ đợi nữ vương thì bất giác ngủ thiếp đi. Nữ vương biết chuyện bèn cởi vòng tay đặt lên ngực Chí Quỷ đang ngủ say. Chí Quỷ tỉnh dậy mới biết nữ vương đã đến bên cạnh mình. Hối hận và tuyệt vọng, trái tim Chí Quỷ bốc thành ngọn lửa, thiêu cháy cả bảo tháp. Nữ vương liền ra lệnh cho thuật sĩ niệm thần chú xua đuổi quỉ lửa.

Nếu như câu chuyện về chàng Chí Quý là một mối tình trong sáng thiết tha của kẻ đơn phương thấp hèn, một kết thúc chuyện đầy chất bi kịch, trái tim khát khao yêu đương hoá thành ngọn lửa thiêu cháy cả bảo tháp. Thủ sáp thạch nam (Cành đỗ quyên cài đầu) lại là một câu chuyện cảm động về đôi trai gái yêu nhau với một kết thúc chuyện có hậu kỳ ảo, người chết hồi sinh để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi:

Một người Silla tên là Thôi Kháng, tự là Thạch Nam yêu say đắm một cô gái nhưng cha mẹ ngăn cấm không cho gặp. Mấy tháng sau, Kháng đột ngột ốm chết, sau 8 ngày, linh hồn Kháng trong đêm tìm đến nhà cô gái, cô gái không biết rằng Kháng đã chết, vui mừng khôn xiết. Kháng cài lên đầu cô gái một cành đỗ quyên và nói rằng: “Cha mẹ đã đồng ý cho đôi ta chung sống bên nhau, rồi dẫn cô gái trở về trước cửa nhà mình, trèo tường mà vào. Cô gái đứng ở ngoài đợi mãi cho đến khi trời sáng vẫn không thấy Thôi Kháng đâu, chỉ thấy người nhà Thôi mở cửa đi ra, cô gái kể cho họ nghe mọi sự việc đêm hôm trước, cho họ xem cành đỗ quyên Thôi Kháng đã tặng cô. Khi mở nắp quan tài ra thì thấy ở trên đầu xác chết có cài cành đỗ quyên, giày dép áo quần hãy còn thấm ướt sương đêm. Cô gái mới biết rằng Thôi đã chết, khóc lóc thảm thiết không còn muốn sống nữa thì bỗng nhiên Thôi tỉnh lại. Hai nguời làm lễ cưới và sống hạnh phúc đến 20 năm sau.

Thiên truyền kỳ dài nhất, có diện mạo truyền kỳ nhất trong số các thiên còn lại là Thôi Trí Viễn. Tác phẩm xuất hiện vào thời sơ kỳ Koryo (918 – 1392), được Thành Nhậm (thế kỷ XV) chép lại trong Thái Bình thông tải (q.68). Nội dung giản lược của tác phẩm cũng được ghi dưới những tên gọi khác nhau như Tiên nữ hồng đại trong Đại Đông ngọc phủ quận ngọc (q.15) của Quyền Văn Hải (thế kỷ XVI), hay Song nữ phần trong sách biên soạn đời Tống: Lục Triều sự tích biên loại. Truyện kể về duyên kỳ ngộ của văn nhân nổi tiếng thời Silla Thôi Trí Viễn với hai hồn ma thiếu nữ. Thiên diễm tình đạt đến một trình độ nghệ thuật khá cao ở các phương diện tình tiết ly kỳ, thơ văn diễm lệ, ngôn từ tinh xảo và khắc hoạ tâm lý nhân vật sâu sắc. Bài viết này nhằm bước đầu giới thiệu về văn nhân truyền kỳ Thôi Trí Viễn.

Thế kỷ VII, sau khi liên hiệp với quân đội nhà Đường tiêu diệt Paekche và không lâu sau đó tiêu diệt nốt Koguryo, cuối cùng đẩy lùi quân xâm lược Đường, Silla đã thành công trong việc thống nhất lãnh thổ, lập nên một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Về mặt tư tưởng, đồng thời với việc đề cao Phật giáo, vương triều Silla còn lấy tư tưởng Nho gia làm cơ sở để củng cố nền thống trị phong kiến của mình. Quan hệ ngoại giao với nhà Đường được tăng cường, ảnh hưởng từ Trung Quốc càng trở nên sâu sắc. Chế độ tuyển dụng nhân tài, quyết định quan chức phụ thuộc vào năng lực và trình độ am hiểu điển tịch Hán văn và sáng tác Hán văn. Một đội ngũ những lưu học sinh và pháp sư được nhà nước cử sang nhà Đường học tập. Vào thời mạt kỳ Silla, thi nhân lớn nhất trong số các thi nhân Hán văn ấy là Thôi Trí Viễn.

Thôi Trí Viễn (857-915) sinh ra ở kinh thành Silla, hiệu là Cô Vân, hiệu khác nữa là Hải Vân. Năm 12 tuổi đi du học nhà Đường, 17 tuổi đỗ tiến sĩ, nhận chức Huyện uý Phiêu Thuỷ Tuyên Châu Trung Quốc. Khởi nghĩa Hoàng Sào nổ ra, ông đảm nhiệm chức Tuần quan trong triều, viết hơn một vạn biểu trạng, thư khải… cho Cao Biền. Không chỉ được trọng dụng, Thôi Trí Viễn còn nổi tiếng triều Đường như một nhà thơ, tác phẩm của ông được in trong một trong những tổng tập đời Đường, sách Đường thư - Nghệ văn chí có ghi chép về ông. Những người bạn thơ người Trung Quốc như Cố Vân, Từ Hữu Cử… đánh giá về ông rất cao. Năm 28 tuổi, ông áo gấm vinh quy trở về Silla, nhậm chức Thị độc kiêm Hàn lâm Học sĩ, giữ chức Binh bộ Thị lang tri thụy Thư giám. Năm 29 tuổi, ông dâng Quốc vương Silla tập thơ văn gồm 28 quyển. Năm 37 tuổi, ông dâng Thời vụ sách 18 điều, nhằm giúp việc cải cách chính trị vương triều, nhưng sáng kiến ông nêu ra sau đó không được thực hiện.

Vương triều Silla cuối thế kỷ IX dần suy tàn, triều chính hủ bại, đời sống nhân dân khốn khổ, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi… Trong tình hình ấy, Thôi Trí Viễn không thể thực hiện lý tưởng chấn hưng Silla, bèn bỏ quan chức, về ẩn cư trong một ngôi chùa trên núi Kaya, khi ấy ông 41 tuổi.

Hán văn từ sớm đã truyền đến Hàn Quốc, xuất hiện nhiều học giả Hán văn. Nhưng thi nhân, học giả Thôi Trí Viễn nổi bật hơn cả, ông được coi là bậc thầy về thơ phú Hán văn. Tác phẩm của Thôi Trí Viễn được biên soạn năm 886 đã xuất bản ở cả Hàn Quốc và Trung Quốc(10).

Bài thơ Thu dạ vũ trung dưới đây ông viết khi còn ở nhà Đường, hoài niệm về cố hương trong nỗi buồn hưu hắt của gió thu, trong cái lạnh thê lương của mưa đêm thu:

Thu phong duy khổ ngâm,

Thế lộ thiếu tri âm.

Song ngoại tam canh vũ,

Đăng tiền vạn lý tâm.

Dịch thơ:

Gió thu buồn thổi mãi,

Đường đời mấy tri âm.

Ngoài song mưa đêm rải,

Trước đèn vạn dặm lòng.

Thất vọng về một hiện thực suy tàn, trong bài thơ Cổ ý, ông đả kích sâu cay vào những thói giảo hoạt, dối trá lộng hành xã hội:

Hồ năng hoá mỹ nhân,

Ly diệc tác thư sinh.

Thuỳ tri dị vật loại,

Hoan hoặc đồng nhân hình.

Biến hoá thượng phi nan,

Thao tâm lương độc nan.

Dục biện chân dữ ngụy,

Nguyệt ma tâm kính khan.

Dịch thơ:

Cáo khi hoá mỹ nhân,

Lúc lại làm thư sinh.

Ai nào hay loài vật,

Huyễn hoặc với nhân hình.

Biến hoá mấy gian nan,

Lo lắng, chẳng chút nhàn.

Muốn biết chân và ngụy,

Nguyện giữ lòng sáng trong.

Căm ghét bọn mặt người dạ thú, Thôi Trí Viễn lại cảm thông sâu sắc với những con người lao động cần cù, hiền lành chất phác. Trong bài Giang Nam nữ ông viết:

Khước tiếu lân gia nữ,

Chung triệu lộng cơ trữ.

Cơ trữ túng lao thân,

La y bất đáo nhữ.

Dịch thơ:

Đáng cười cô hàng xóm,

Sớm tối tiếng thoi đưa.

Cặm cụi bên khung cửi,

Áo lụa hỏi có chưa?

Thơ tả cảnh của ông bằng ngôn từ trong sáng đến giản dị mang đến cho người đọc sự cảm nhận tinh tế mà phiêu dật, như khắc lên, như tạc lại nơi phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, những nét động như càng chìm sâu trong không gian bao la tĩnh lặng, cảnh thực trở nên hư ảo:

Yên loan thốc thốc thuỷ dung dung,

Kính lý nhân gia đối bích phong.

Hà xứ cô phàm bão phong khứ,

Phách nhiên phi điểu khứ vô tông.

Dịch thơ:

Khói lam toả tỏa nước mênh mông,

Ngưòi nhìn núi biếc qua kính trong.

Cánh buồm no gió tìm chốn đến,

Một thoáng chim bay vút tầng không.

Bên cạnh thơ trữ tình hoài niệm, châm biếm thế sự hay tả cảnh, bài thơ Hương nhạc tạp vịnh miêu tả về năm hình tượng trong vũ đạo dân gian thời Silla và nhiều bài thơ biểu hiện về mối giao lưu hữu hảo với các văn nhân Trung Quốc… Thơ chữ Hán của Thôi Trí Viễn ảnh hưởng sâu sắc đến văn học Hàn Quốc. Văn thơ ông cũng như chính tâm hồn ông: “Thơ biểu hiện tinh thần con người, văn biểu hiện thể chất con người”(11). Thôi Trí Viễn được học giả các đời sau tôn thờ làm thuỷ tổ của văn học chữ Hán Hàn Quốc.

Tài liệu tham khảo:

* Vi Húc Thăng, Triều Tiên văn học sử, Nxb. Đại học Bắc Kinh 1986.

* Kim Hiơn Yang, Dịch chú Thù dị truyện dật văn, Nxb Pắc-Yi-Chơng, 1996.

* Nguyễn Văn Ánh, Hàn Quốc; Lịch sử - Văn Hoá (Từ khởi thuỷ đến 1945), Nxb Văn hoá 1996.

Chú thích:

* Trong bài viết này, các danh từ riêng tiếng Hán đều được dịch theo âm đọc Hán - Việt. VD: (silla) = Tân La; (choé chn) = Thôi Trí Viễn.

1. Nhất Nhiên, Tam Quốc di sự (q.4), Viên Quang Tây học: “… tại cổ bản Thù dị truyện” (…ở bản cổ Thù dị truyện).

- Giác Huấn, Hải Đông cao tăng truyện, (q.1), A Đạo “Nhược an Phác Dần Lượng Thù dị truyện (theo Thù dị truyện của Phác Dần Lượng).

2. Thành Nhậm, Thái Bình thông tải (q.20) (q.68), Bảo Khai, Thôi Trí Viễn: “Xuất Tân La thù dị truyện” (Lấy từ Tân La thù dị truyện).

- Từ Cư Chính, Bút uyển tạp ký (q.2): “Đãn Tân La thù dị truyện vân” (Tân La thù dị truyện nói rằng).

- Quyền Văn Hải, Đại Đông vận phủ quận ngọcMục lục thư tịchTân La thù dị truyện Thôi Trí Viễn” (Thôi Trí Viễn tác giả của Tân La thù dị truyện); Tiên nữ hồng đại: “Tân La thù dị truyện”.

- Kim Hào, Hải Đông văn hiến tổng lục: “Tân La thù dị truyện Thôi Trí Viễn sở soạn” (Tân La thù dị truyện do Thôi Trí Viễn soạn).

- Phác Dung Đại, … Tăng bổ văn hiến bị khảo (q.246): “Tân La thù dị truyện Văn Xướng hầu Thôi Trí Viễn soạn” (Tân La thù dị truyện do Văn Xướng hầu Thôi Trí Viễn soạn).

3. Nhất Nhiên, Tam Quốc di sự (q.4), Bảo nhưỡng lê hoa: “Hương nhân Kim Trắc Minh” “hậu nhân cải tác Tân La dị truyện (Người đời sau là Kim Trắc Minh đổi lại thành Tân La dị truyện).

4. Nhất Nhiên là nhà sư Thích Nhất Nhiên (1206-1289), tác giả của một trong hai cuốn sách cổ nhất và quan trọng nhất của Hàn Quốc hiện còn: Tam Quốc di sự, sách biên soạn năm 1281, ghi chép những truyện cổ của Hàn Quốc, bao gồm những thần thoại, truyền thuyết, truyện kể dân gian, sự kiện lich sử…

5. Trương Hiếu Huyền, Hàn Quốc Hán Tiểu thuyết giản sử, chú thích 1, tham luận tại hội thảo giao lưu nghiên cứu học thuật Tiểu thuyết Minh Thanh quốc tế Đại Liên; Vi Thúc Thăng, Triều Tiên văn học sử. Nxb. Đại học Bắc Kinh 1986, Tr.48.

6. Kim Hiơn Yang, Dịch chú Thù dị truyện dật văn, Nxb. Pắc Yi Chơng 1996 Tr.7

7. Truyện này và truyện Lão ông hoá cẩu (ông già biến thành chó) cùng là truyện truyền kỳ về nhân vật lịch sử Kim Dữu Tín.

8. Truyện này và truyện Chí Quỷ cùng là câu chuyện tình lãng mạn của chàng Chí Quỷ.

9. PETER LEE, Anthology of Korean Literature from Early Time to the 19th Century, 1981.

10. Dẫn theo Kim Hung gyu, Understanding Korcan Literature, Seoul 1986, Tr.161.

Nguyễn Thị Ngân

Viện Nghiên cứu Hán Nôm


Scroll To Top