Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VẤN ĐỀ ĐÔ THỊ HÓA Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Bởi hơn 70% người Hàn sống ở vùng nông thôn, hơn 70% diện tích lãnh thổ Hàn Quốc là đồi núi, chiếm 70% GNP của Hàn Quốc thu được từ các hoạt động nông nghiệp và nông thôn. Song tình hình này đã và đang thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, hơn 93% GNP của Hàn Quốc thu được từ các hoạt động phi nông nghiệp và đô thị, hơn 80% dân số sống ở 68 thành phố, 193 thị trấn, và ba phần tư sống ở các khu đô thị thuộc loại thành phố với hơn 50.000 người[*] .

Theo thống kê của một số nhà nghiên cứu, tỷ lệ dân cư đô thị của Hàn Quốc thập kỷ 50 tương đương với tỷ lệ trung bình ở một số nước phát triển điển hình khác, tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa ở Hàn Quốc nhanh hơn. Năm 1995, tốc độ đô thị hóa của Hàn Quốc là 77,6% cao hơn nhiều so với phần lớn các nước có thu nhập trung bình. Người ta cho rằng nguyên nhân là do tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành sản xuất ở Hàn Quốc.

Đầu thập kỷ 60, về cơ bản các khu đô thị cũng như dân số đô thị ngày một tăng. Các thành phố thuộc diện loại B (với dân số hơn 20.000 người) tăng gấp bốn lần và số lượng các khu đô thị tăng gấp 30%. Trong suốt quá trình đô thị hóa đã hình thành các khu đô thị với quy mô và mức độ phát triển khác nhau. Các thành phố lớn hơn 1 triệu người tăng một cách nhanh chóng, năm 1960 mới chỉ chiếm 40,0% nhưng đến năm 1995 đã tăng lên 59,6%. Ngược lại các khu đô thị với số dân hơn 20.000 đến 50.000 người tăng không đáng kể so với tổng số dân từ năm 1960.

Tốc độ phát triển của Seoul thật khủng khiếp với dân số từ 2,4 triệu người năm 1960 đã tăng lên 11 triệu người năm 1995. Tập trung hóa dân cư và công nghiệp ở Seoul đã gây ra một loạt vấn đề làm đau đầu các nhà lãnh đạo chính trị Hàn Quốc. Bởi Seoul nằm trong tầm đạn từ phía Bắc Hàn khi có chiến tranh xảy ra, và tình hình an ninh ở thủ dô không được đảm bảo chắc chắn. Chính phủ bằng một số biện pháp cố gắng phi tập trung hóa dân cư và công nghiệp ra khỏi Seoul nhưng không thu được mấy kết quả . Một loạt các biện pháp như “hệ thống vành đai xanh” nhằm hạn chế sự bành trướng của Seoul, chuyển văn phòng chính phủ trung ương tới trung tâm hành chính mới gần thành phốTaejon, và đồng thời di chuyển trụ sở chính của các công ty quốc doanh ra ngoài vi Seoul. Song không biện pháp nào thành công, ngược lại tốc độ tập trung hóa dân cư ở Seoul vẫn tiếp tục, hơn thế nữa chính phủ đã tiêu phí rất nhiều của cải, tiền bạc của cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân vào những chính sách bất khả thi đó. Ngay cả tổng thống Park Chung Hee cũng đã rất nỗ lực hạn chế sự mở rộng cửa Seoul cũng giống như việc ông cố gắng thúc đẩy phát triển thương mại. Là một thành viên của Nhà Xanh phụ trách về các vấn đề có liên quan đến quá trình phát triển của Seoul và vùng phụ cận, người ta đánh giá rất cao công lao của tổng thống Park trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng trong nước.

Tập trung hóa dân số và cơ sở hạ tầng kinh tế ở thủ đô đã trở thành vấn đề chung của các nước kém phát triển. Từ những kinh nghiệm của Hàn Quốc, cho thấy phần lớn các nước phát triển không dễ gì giải quyết được vấn đề này. Mặc dù họ cố gắng tái định cư các khu vực cư dân và công nghiệp ra ngoại vi thủ đô song chi phí xã hội để thực hiện điều này vượt xa so với phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, các nước phát triển chỉ tập trung giải quyết những vấn đề có liên quan đến tập trung hóa dân cư chứ không hề giải quyết bản chất của vấn đề đó.

Một chính sách đô thị quan trọng khác là chính phủ nên quan tâm đến các khu đô thị nhỏ hơn với dân số từ 20.000 đến 50.000 người . Các trung tâm này đóng một vai trò thiết yếu đối với người dân nông thôn. Bởi trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, chính những thành phố này là nơi cung cấp một loạt các dịch vụ đô thị cho người dân nông thôn như trang thiết bị điều trị y tế hiện đại, trường học, thu mua nông sản và bán các sản phẩm công nghiệp khác. Có thể nói rằng, những thành phố và thị trấn nhỏ là nhân tố quyết định chất lượng cuộc sống nông thôn. Song nhìn chung, những thành phố này vẫn chưa nhận được sự quan tâm cũng như đầu tư thỏa đáng cảu chính phủ bởi vì bản thân chính phủ còn đang bị chìm ngập trong những vấn đề của các thành phố lớn.

Sự lớn mạnh của các khu đô thị với các loại hình khác nhau luôn thay đổi trong suốt quá trình phát triển. Các thành phố lớn xuất hiện và lớn mạnh nhất trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, các thành phố cỡ trung hình thành một trong giai đoạn giữa và giai đoạn cuối cùng là giai đoạn phát triển của các thành phố nhỏ.

Theo nhà kinh tế học được giải thưởng Nobel – Arthur Lewis thì xuất phát điểm thu nhập trong giai đoạn giữa của quá trình phát triển là 3.500 đô la Mỹ. Nhưng đến giai đoạn cuối của quá trình phát triển, theo các tính toán của Chenery và Syrquin, thu nhập đầu người của Hàn Quốc đạt khoảng 8.000 đô la Mỹ (năm 1993). Cũng theo cách phân loại này, gần đây Hàn Quốc đã gia nhập các quốc gia có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Song xu hướng này lại chính là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ dân số ở các thành phố lớn giảm từ năm 1990. đồng thời làm gia tăng các thành phố cỡ trung. Nên chăng kế hoạch đầu tư của nhà nước vào các thành phố phải xem xét hoặc tính đến xu hướng hay quy mô phát triển của các thành phố đó. Chính phủ nên phân chia tỷ lệ vốn đầu tư vào các thành phố lớn, trung và nhỏ phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển: ban đầu, giữa và cuối một cách tương đương và hợp lý.

Có lẽ vấn đề gay cấn nhất mà Hàn Quốc gặp phải trong quá trình đô thị hóa là sự gia tăng nhanh chóng dân cư ở các khu đô thị bởi như đã biết dân cư đô thị gia tăng kéo theo một loạt vấn đề mà không dễ gì giải quyết được trong một sớm một chiều. Đó là vấn đề dịch vụ công; đó là vấn đề ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng cư dân đô thị. Việt Nam cũng đang gặp những vấn đề tương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong vấn đề này cần phải được nghiên cứu kỹ và chúng ta có thể học được những kinh nghiệm quý từ Hàn Quốc.

Thực hiện: Hương Lan và nhóm Web

Nguồn: Các tài liệu lưu tại TVTTNCHQ

[*] Nguồn: Bộ Nội vụ, Niên giám thành phố của Hàn Quốc, 1972, 1974, 1982 và 1995 và Ban Kinh tế kế hoạch, Điều tra dân số và nhà ở hàng năm.

Scroll To Top