Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SEON DEOK YEO WANG (THIỆN ĐỨC NỮ VƯƠNG) VÀ BA ĐIỀU TIÊN ĐOÁN

Đăng ngày:

Deok Man (Đức Mạn, ? ~ 08/01/647 âm lịch) đời thứ 27 có tên thụy là Seon Deok Yeo Dae Wang (Thiện Đức Nữ Đại Vương), họ Kim, con gái của Chân Bình Vương. Bà lên ngôi vào năm Nhâm Thìn, năm thứ 6 niên hiệu Trinh Quán (tức năm 632), trị vì đất nước trong 16 năm.

Bà chính là vị nữ vương đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc. Lúc sinh thời, bà đã tiên đoán được ba việc.

Thứ nhất, khi Đường Thái Tông gửi cho bà 3 đấu hạt giống và một bức tranh hoa mẫu đơn vẽ bằng ba màu đỏ, tía, trắng;[1] nữ vương nhìn bức tranh và nói:

-                     Hoa này nhất định không có hương thơm.

Rồi bà ra lệnh trồng hạt giống vào trong vườn, quả nhiên lời tiên đoán chẳng sai chút nào, từ khi hoa nở cho đến khi tàn, không hề thấy chút hương thơm.

Thứ hai, giữa mùa đông, có rất nhiều ếch đến tụ tập ở trong ao Ngọc Môn chùa Linh Diệu[2] và kêu suốt ba bốn ngày. Người dân lấy làm kỳ lạ nên tâu lên hỏi nữ vương. Nữ vương lập tức ra lệnh cho hai Giác Can[3] là Al Ch’eon (An Xuyên) và P’il T’an (Bật Thốn) dẫn 2.000 quân tinh nhuệ khẩn cấp đến ngoại thành phía Tây, dò hỏi về Yeo Keun Kok (Nữ Căn Cốc)[4] và tiên đoán rằng chắc chắn ở đó sẽ có quân địch. Khi đó, hãy tập kích diệt giặc.

Hai vị Giác Can nhận lệnh ra đi, mỗi người dẫn 1.000 quân sĩ đến ngoại thành phía Tây dò hỏi, quả nhiên ở Nữ Căn Cốc dưới ngọn núi Bu San (Phú Sơn) có 500 quân Bách Tế đang ẩn nấp ở đó. Hai Giác Can đã vây bắt và giết hết bọn chúng. Tướng quân của Bách Tế là Woo So (Ô Chiêu) đang nấp ở một hòn đá ở đỉnh Nam San cũng bị bao vây trúng tên bắn chết. Sau đó, 1.200 binh lính của Bách Tế từ phía sau đến cứu viện cũng bị giết chết, không còn một mạng.

Thứ ba, trong khi chẳng có bệnh tật gì, nữ vương lại gọi tất cả quần thần đến, nói rằng:

-                     Vào ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, trẫm sẽ mất. Hãy mai táng trẫm ở Đao Lợi Thiên[5].

Quần thần không biết nơi đó ở đâu, liền hỏi:

-                     Đó là nơi nào, thưa bệ hạ?

Nữ vương trả lời:

-                     Ở phía Nam Nang San (Lang Sơn)[6].

Quả nhiên, đến ngày ấy, tháng ấy, nữ vương băng hà. Quần thần y lệnh, mai táng ở phía Nam Lang Sơn. Khoảng 10 năm sau, Mun Mu Dae Wang (Văn Vũ Đại Vương) cho xây chùa Tứ Thiên Vương ở dưới lăng mộ của Thiện Đức Vương. Kinh Phật chép:

“Đao Lợi Thiên ở trên Tứ Thiên Vương Thiên[7]”.

Thế mới biết sự linh thiêng thần thánh trong những tiên đoán của Thiện Đức Nữ Vương.

Khi bà còn sống, quần thần từng hỏi:

-                     Làm sao bệ hạ biết được việc về hoa mẫu đơn và con ếch?

Nữ vương trả lời:

-                     Bức tranh vẽ hoa nhưng lại không có bướm nên ta biết rằng hoa đó không có hương thơm. Điều đó cũng có nghĩa là Hoàng đế nhà Đường châm chọc ta không có phu quân. Còn con ếch dáng vẻ nổi giận tượng trưng cho quân đội, Ngọc Môn là tên gọi sinh thực khí của người phụ nữ, mà phụ nữ thuộc “âm”, “màu trắng”; màu trắng lại tượng trưng cho hướng Tây[8] nên ta đoán có quân địch ở hướng Tây. Binh lính thuộc nam căn lại phạm vào nữ căn thì ắt phải chết. Vì thế, ta biết rằng có thể bắt được quân giặc dễ dàng.

Nghe xong, tất cả quần thần đều khâm phục trí tuệ hơn người của nữ vương.

Còn về chuyện gửi bông hoa có ba màu thì hẳn ai cũng biết rằng, ở Tân La có ba Nữ Vương là Thiện Đức, Chân Đức, Chân Thánh có tài “tiên kiến tri mệnh” khiến Hoàng đế nhà Đường kinh ngạc. Việc Thiện Đức Nữ Vương cho xây dựng chùa Linh Diệu đã được ghi vào Lương Chí Sư Truyện. Theo Biệt ký, vào thời Thiện Đức Nữ Vương, người ta đã đẽo đá dựng Chiêm tinh đài.

 

Lương Hồng Hạnh

Theo sách Samguk Yusa (Tam quốc di sự).

http://ko.wikipedia.org/wiki/%EC%84%A0%EB%8D%95%EC%97%AC%EC%99%95

 



[1] Một ví dụ cho thấy mối quan hệ hữu hảo với nhà Đường vào thời Thống nhất Tam Quốc của Tân La.

[2] Ngôi chùa được xây dựng vào năm 632, năm đầu tiên Thiện Đức Nữ Vương lên ngôi.

[3] Chức quan cao nhất trong 17 thứ bậc quan chức thời Shilla.

[4] Tên một cái hang, có hình dáng giống sinh thực khí của người phụ nữ, nằm giữa Geonsan và Ahwa.

[5] Cái Thiên (trời) thứ 2 trong “Dục giới lục thiên” theo quan niệm của nhà Phật.

[6] Một ngọn đồi, cao không quá vài chục mét, gần Tứ Thiên Vương tự.

[7] Ý nói: Đa văn thiên ở phương Bắc, Tăng trưởng thiên ở phương Nam, Quảng mục thiên ở phương Tây, Trì quốc thiên ở phương Đông (trong Dục giới lục thiên).

[8] Theo thuyết Âm dương ngũ hành.


Scroll To Top