Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


THỜI ĐIỂM ĐỂ PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH HÀNG HẢI

Đăng ngày:

Hàn Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp đóng tàu, có những công ty chiếm 4 vị trí đầu đứng trong ngành đó. Ngành đóng tàu đóng một vai trò quan trọng sâu sắc đối với sự phát triển kinh tế quốc gia. Sản phẩm của ngành đóng tầu là những mặt hàng xuất khẩu then chốt cùng với điện tử, ô tô, hóa dầu và đây cũng là ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm với hệ số EIC đạt ngưỡng 10 người và tỉ lệ tăng trưởng việc làm là 12%. Nhưng, chúng ta đều rõ: Hàn Quốc không phải là một trong những quốc gia hàng đầu trong ngành vận tải hàng hải.

Ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc là ngành công nghiệp chuyên đóng và lắp ráp tàu và thuyền nổi lớn, trong khi đó thì ngành vận tải hàng hải là một ngành công nghiệp bao gồm cả việc mua và sử dụng các tàu thuyền lớn được đóng - lắp bởi các công ty đóng tàu.Ta có thể coi các công ty vận tải hàng hải là “Bên A” và các công ty đóng tàu là “Bên B”. Mặc dù có sức cạnh tranh tầm cỡ quốc tế nhưng các công ty đóng tàu Hàn Quốc vẫn phải trải qua giai đoạn thiếu khách hàng, bởi vì các nhà thầu Bên B thiếu các đơn đặt hàng của Bên A. Giải pháp ở đây rất rõ ràng: Để gia nhập hàng ngũ những nước hàng đầu trong ngành công nghiệp vận tải hàng hải theo chiều hướng đúng đắn nhất như Hy Lạp, Đức và Na Uy thì Hàn Quốc nên mở rộng hướng đầu tư vào các lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp hàng hải, không chỉ ngành đóng tầu.

Do khối lượng những ngành phụ trợ trong ngành công nghiệp hàng hải còn hạn chế, Hàn Quốc không dễ dàng gì trong việc khuyến khích các chủ tàu dưới hình thức các công ty vận tải hàng hải cũng như yêu cầu những người điều hành trực tiếp tham gia vào các dịch vụ vận chuyển hàng hải quốc tế. Nhưng, nếu các quan điểm về chủ tàu được thay đổi thì những khó khăn này có thể được đặt sang một bên và quy mô của nhà nước và số lượng chủ tàu sẽ tương xứng.

Điều cần thiết mà ngành công nghiệp vận tải hàng hải Hàn Quốc cần ở đây là các chủ tàu phải là những “chuyên gia” trong việc mua, bán và đầu tư vào các tàu. Trong trường hợp này thì Hy Lạp là một nước điển hình rất đáng chú ý. Hy Lạp tuy là một nước rất nghèo về tài nguyên thiên nhiên và có rất ít sản phẩm xuất khẩu có uy tín nhưng tại sao các nước ở Nam Âu lại có quá nhiều chủ tàu như vậy? Không giống như ở Hàn Quốc, các chủ tàu Hy Lạp không phải là những người trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh hàng hải. Họ là những nhà đầu tư chuyên nghiệp về tàu. Nếu đối tượng đầu tư thay đổi từ tàu thành các doanh nghiệp thì các chủ tàu Hy Lạp sẽ giống như các quỹ cổ phần tư nhân (PEF), một khái niệm quen thuộc với chúng ta.

Các chủ tàu ở Hàn Quốc, họ không phải là các nhà sản xuất, tuy vậy, họ vẫn sử dụng một nguồn vốn khá lớn. Hàn Quốc đã có một PEF tốt và có các công ty quản lý PEF. PEF nên được mở rộng để thúc đẩy các chủ tàu theo phong cách PEF đầu tư vào tàu thuyền, thay vì các công ty vận tải hàng hải. Hơn nữa, tài chính hàng hải nên được phát triển như một phần của một tổ hợp kinh tế, bao gồm chủ tàu và các nhà máy đóng tàu.

Hiện nay, thẩm quyền đối với ngành công nghiệp đóng tàu thuộc về Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải Hàn Quốc. Dưới cấu trúc như vậy, những chính sách cải cách và sáng tạo khó có thể thực thi được. Vì vậy, để tạo ra một môi trường tổ hợp hỗ trợ, thì một cơ quan chính phủ độc lập nên được thiết lập để đưa ra các chính sách, chiến lược có liên quan. Trong khi ngành đóng tàu được coi là những doanh nghiệp sản xuất thì ngành vận tải hàng hải thực sự là những doanh nghiệp tài chính. Đó chính là nguyên nhân tại sao sự phát triển của lĩnh vực tài chính hàng hải phải được ưu tiên lên hàng đầu.

Lê Minh Đông – Trung tâm Bắc Á - Viện NC Đông Bắc Á

Nguồn:http://www.koreafocus.or.kr/design3/economy/view.asp?volume_id=128&content_id=104268&category=B


Scroll To Top