Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TRIỀU TIÊN LẠI KHỞI ĐỘNG CẢI CÁCH KINH TẾ?

Đăng ngày:

 

Tác giả: Châu Vũ

Nguồn: Báo “Tuần báo Thời đại”, ngày 13/ 9/ 2012

http://www.time-weekly.com/story/2012-09-13/126796.html

 

Gần đây, có các tin tức cho rằng, Bình Nhưỡng đang suy nghĩ về thử nghiệm cải cách tiền tệ. Đây là một trong rất nhiều tin bùng phát trong thời gian gần đây về các động thái của Triều Tiên với các chính sách cải cách kinh tế.

Cuối năm 2009, Triều Tiên đã từng tiến hành cải cách tiền tệ. Khi đó Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) vẫn còn sống nhưng Kim Chính Ân (Kim Jong Un) đã được công chúng chú ý. Sự chú ý này nhanh chóng hơn nhiều so với khi Kim Chính Nhật tiếp nối Kim Nhật Thành. Khi đó, các nhà phân tích đều cho rằng, một khi cải cách tiền tệ thành công, sẽ là sự tuyên truyền hữu hiệu cho “ngôi sao tương lai” Kim Chính Ân. Tuy nhiên, cuối cùng cải cách tiền tệ lại thất bại thảm hại.

Nhiều năm trở lại đây, ngân hàng Triều Tiên và hệ thống tiền tệ gần như đã tê liệt hoàn toàn. Thậm chí với đối tác thương mại chủ chốt là Trung Quốc, tiền tệ cũng khó chuyển đổi. Tỷ giá giữa đồng Won và Nhân dân tệ cơ bản do “chợ đen” khống chế, biên độ dao động khá lớn. Ở trong nước, do tiền trong ngân hàng có thể bị trưng thu bất cứ lúc nào, hơn nữa lại  rất khó lấy lại nên người dân thường cất giữ tiền mặt trong gia đình. Thêm vào đó, hầu như tất cả các ngành kinh tế đều là quốc hữu, tiền thuế không đáng kể. Do đó, trên thực tế khả năng thao túng kinh tế của Chính phủ Triều Tiên cũng có hạn.

Trong cải cách tiền tệ năm 2009, Triều Tiên đã phát hành loại tiền mới, nhưng lại hạn chế lượng đổi tiền cũ sang tiền mới. Chút ít tài sản mà người dân tích lũy được nhờ giao dịch dân sự bỗng chốc bị sang tay. Đã có khoảng thời gian người dân ở biên giới lấy hết tiền Won trong nhà ra đổi lấy ngoại tệ như Nhân dân tệ. Do hàng hóa không thể định giá và khi đó Chính phủ Triều Tiên lại hạn chế các chợ dân sự dẫn đến giao dịch dân sự, của Triều Tiên gần như ngừng hẳn. Điều này có ảnh hưởng lớn đến kinh tế và cuộc sống của người dân lao động. Chính phủ thậm chí còn tuyên bố rằng, sở hữu ngoại tệ là phạm pháp.

Từ đợt cải cách tiền tệ này, các giới đều thấy rõ rằng, vị trí của các chợ dân sự là không thể thay thế. Cho dù đang là thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa, thì giao dịch ở đó cũng ít nhiều mang đặc điểm của thị trường tự do. Sự giao dịch trên các chợ này bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm và đồ dùng cho không ít người dân lao động ở thành thị và nông thôn.

Trong lần tác giả đến Triều Tiên năm 2009, phát hiện ở ga Tân Nghĩa Châu (Sinuiju) tiếp giáp với Đơn Đông - Trung Quốc, có rất nhiều người bán hàng rong mang theo các bao lớn. Họ đón tàu, lấy hàng từ Trung Quốc hoặc từ các chợ đầu mối của Tân Nghĩa Châu về bán trên khắp đất nước. Chính khu công nghiệp bị quản lý chặt chẽ La Tiên (Rason) cũng là một nguồn nhập hàng chủ yếu từ Trung Quốc. Tháng 6 năm nay, các du khách Trung Quốc cho biết, hai bên đường từ trung tâm thành phố Bình Nhưỡng đi sân bay, liên tiếp nhiều cây số đều có các sạp bày bán hàng hóa. Đối với Chính phủ, các thị trường này phát triển song song với nền kinh tế kế hoạch hóa, nhưng lại là loại hình kinh tế không thể khống chế hoàn toàn, bởi vậy, Chính phủ mong muốn thông qua cải cách tiền tệ để kiểm soát chúng.

Sau khi Kim Chính Ân nắm quyền, khả năng tiến hành cải cách kinh tế trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Các hãng thông tấn nước ngoài không ngừng đưa các bản tin về những sự thay đổi thường nhật ở Triều Tiên. Họ đã quan sát được cả những thay đổi rất nhỏ ở nước này. Ví dụ, tạp chí học thuật Triều Tiên có những ngụ ý về ưu điểm của cải cách kinh tế hay Triều Tiên cử cán bộ sang Trung Quốc học tập, hoặc các phương tiện truyền thông Hàn Quốc luôn thận trọng quan sát sự thay đổi của Triều Tiên. Thậm chí có các chuyên gia còn chỉ rõ, không công nhận Triều Tiên có cải cách kinh tế. Bản thân tác giả, trong năm ngoái và năm nay đã hai lần phỏng vấn các nhà đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên. Hầu hết đều cho rằng, không có sự thay đổi gì đáng kể, đồng thời nhận định rằng, trong một thời gian ngắn nữa, Triều Tiên khó có khả năng thực hiện cải cách. Trên thực tế, bản thân Triều Tiên đã kiên quyết phủ nhận sự tồn tại của cái gọi là cải cách. Ngày 29 tháng 7, Thông tấn xã Triều Tiên có bản tin bài viết “muốn Triều Tiên cải cách chỉ là mơ tưởng”, đã nghiêm khắc chỉ trích các suy đoán của bên ngoài với Triều Tiên.

Một điều không thể phủ nhận rằng, Triều Tiên đã có sự thay đổi. Ví dụ trực quan nhất chính là “tòa nhà bị dừng thi công” lớn nhất thế giới – khách sạn Liễu Kinh (Ryugyong), đã hoàn thành và trở thành một cảnh đẹp của thủ đô Bình Nhưỡng. Theo kế hoạch, tòa nhà này được xây dựng vào năm 1982 với 3000 phòng được xây theo hình kim tự tháp, đến năm 1989 sẽ hoàn thành và đưa vào kinh doanh. Tuy nhiên, dự án này bị hoãn, không thế khởi công được. Năm 2009, khi tác giả đang ở Triều tiên, tòa nhà Liễu Kinh mới hoàn thiện được một phần trang trí ngoại thất thì lại tiếp tục bị hoãn. Năm nay, theo bức ảnh của truyền thông Hàn Quốc có được thì xem ra khách sạn này đã hoàn thành xong phần trang trí ngoại thất.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn mới xây dựng rất nhiều tòa nhà, chợ, khu vui chơi miễn phí cho người dân. Về khu công nghiệp La Tiên, đảo Hoàng Kim Bình (Hwanggeumpyeong) do Trung Quốc và Triều Tiên hợp tác cũng không ngừng truyền tin tức về. Thậm chí có báo cáo cho rằng, Triều Tiên cổ vũ người nước ngoài đến mua nhà ở. Thế nhưng, cũng giống như vô số các tin tức về giao lưu kinh tế đối ngoại của Triều Tiên trước đây, đại đa số đều không thành hiện thực, cho đến nay vẫn chưa thấy có tiến triển. Chúng ta cần hiểu rõ rằng, cho dù có thêm nhiều công trình được xây dựng hơn nữa, cũng không đồng nghĩa với việc nền kinh tế đã được cải thiện. Các hoạt động kinh tế đối ngoại của Triều Tiên có thể cần đến tiền cũng như có thể không có quan hệ gì với cải cách kinh tế. Tin tức về đợt cải cách tiền tệ lần này chưa có gì cụ thể, cải cách như thế nào, có thay đổi thực sự không,  giới quan sát vẫn chưa biết được.

Các tin tức tích cực cũng không phải là không có. “Thời báo Niu-ooc” cho rằng, Triều Tiên có thể sẽ tiến hành kế hoạch khôi phục nền kinh tế. Báo cáo trích dẫn tin tức của Thông tấn Trung ương Triều Tiên rằng, hội nghị nhân dân tối cao sẽ khai mạc vào ngày 25 tháng 9. Hội nghị này thông thường tổ chức mỗi năm một lần và tháng 4 năm nay đã tổ chức. Cuộc họp được trông đợi sẽ khởi động chương trình cải cách kinh tế. Báo cáo này cũng trích dẫn từ tin tức mà truyền thông Hàn Quốc có từ nguồn giấu tên rằng, Kim Chính Ân sẽ có biện pháp khuyến khích các nhà máy và nông trường tập thể. Ngoài ra còn cho phép nông dân được giữ 30% sản phẩm làm ra. Sau cải cách, các nhà máy có thể tự lựa chọn mặt hàng sản xuất. Họ sẽ chia sẻ lợi nhuận với Nhà nước và tự trả tiền lương cho công nhân.

Nếu như những tin tức kể trên thành hiện thực, so với hàng thập kỷ thực hiện chế độ phân phối và kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ thì cũng coi như có thay đổi. Tuy nhiên, tất cả các cuộc cải cách ở nước này, chỉ khi nào thật sự xảy ra mới rõ được. Tính đến hiện tại, những việc này vẫn chưa hề xảy ra.

Người dịch: Kiều Thị Dung

 


Scroll To Top