Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


MỐI QUAN HỆ SEOUL – BẮC KINH: HÔM QUA VÀ NGÀY MAI

Đăng ngày:

Ngày 24 tháng 8 vừa qua, Seoul và Bắc Kinh đã đánh dấu kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Binh sĩ của họ đã chĩa súng vào nhau trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, song mối quan hệ chính thức giữa hai quốc gia đã giúp tháo gỡ một nửa của hệ thống chiến tranh lạnh ở Đông Bắc Á, đồng thời, bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Seoul và Matxcơva đã giúp tháo gỡ nửa còn lại. Mối quan hệ bình thường giữa Seoul với Trung Quốc cũng làm thay đổi đáng kể dư luận công chúng trong cuộc đua ngoại giao giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Quan hệ song phương giữa Hàn Quốc – Trung Quốc đã được nâng cấp từ đối tác hợp tác năm 1997 lên quan hệ đối tác hợp tác toàn diện năm 2003 và sau đó là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược năm 2008. Vì thế, quan hệ giữa hai nước đã được mở rộng để hỗ trỡ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực và thế giới.

Lượng thương mại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đã tăng 35 lần, từ 6,4 tỷ USD vào năm 1992 lên 220,6 tỷ USD trong năm 2011, lớn hơn khối lượng thương mại của Hàn Quốc với Mỹ và Nhật Bản. Hàng năm, có hơn 6 triệu người Hàn Quốc và Trung Quốc tới thăm đất nước của nhau.

Tuy nhiên, bánh xe của mối quan hệ Seoul-Bắc Kinh đã bị kêu cót két kể từ năm 2010. Sau vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hải quân Hàn Quốc và việc Triều Tiên pháo kích vào đảo Yeonpyong năm đó, Trung Quốc đứng về phía Triều Tiên. Trung Quốc đã phớt lờ việc mở rộng mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của mình với Hàn Quốc. Do đó, nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi về ý định thực sự của Trung Quốc liên quan đến chính sách của mình đối với Hàn Quốc.

Mối quan hệ Seoul-Bắc Kinh cũng ảnh hưởng tới nhiều mối quan hệ quốc tế khác, bao gồm cả mối quan hệ Washington-Bắc Kinh và quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên. Khi Mỹ tuyên bố một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của mình tập trung vào châu Á và tăng cường quan hệ với các nước có chung đường biên giới của họ hoặc tham gia vào các cuộc tranh chấp, thì với Trung Quốc, Bắc Kinh coi động thái này giống như một nỗ lực để giữ không cho Mỹ tới gần. Do vậy, Trung Quốc lo ngại Seoul và Washington nâng cấp liên minh song phương của họ, hơn nữa hệ thống hợp tác ba bên Seoul -Washington – Tokyo càng được tăng cường củng cố.

Quan hệ Seoul-Bắc Kinh trong vòng 20 năm tới sẽ là một biến số tuyệt đối quyết định vận mệnh của Hàn Quốc cũng như của toàn bộ bán đảo Hàn, trong đó, bao gồm cả việc thống nhất bán đảo Hàn bị chia cắt. Nhiệm vụ khó khăn nhất hiện nay mà Seoul và Bắc Kinh đang phải đối mặt là làm thế nào để giải quyết hài hòa những xung đột quân sự và chính trị của họ đang diễn ra bất chấp mối quan hệ gần gũi phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước.

Cho đến gần đây, Seoul đã cố gắng tận dụng mối quan hệ của mình với Bắc Kinh để cải thiện quan hệ với Triều Tiên, song, quan hệ Seoul-Bắc Kinh trở nên lạnh nhạt bất cứ khi nào nếu Triều Tiên có những hành động khiêu khích quân sự. Nếu mối quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên là một trở ngại cho mối quan hệ Seoul-Bắc Kinh thì Seoul cần phải tìm cách để giảm thiểu ảnh hưởng của "biến số Triều Tiên."

Hiện tại là thời điểm để thuyết phục Bắc Kinh rằng, liên minh Seoul-Washington không nhằm mục đích tìm cách đẩy Bắc Kinh vào một góc, mà là bảo vệ Hàn Quốc trước những hành động khiêu khích của Triều Tiên. Seoul cũng cần phải tiến hành ngoại giao cấp cao, theo đó, Hàn Quốc có thể chủ động trong quan hệ của mình với Bình Nhưỡng và giảm bớt gánh nặng của mối quan hệ hai bên lên quan hệ với Bắc Kinh trong tương lai

Trần Thị Duyên

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Nguồn: http://www.koreafocus.or.kr/design3/politics/view.asp?volume_id=127&content_id=104228&category=A

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Scroll To Top