Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC JOSEON (1392-1910)

Đăng ngày:

Với sự kiện hồi quân ở WiHwado, YiSeonggye đã phế bỏ vua Uwang và Choe Yeong, giành lấy thực quyền rồi cùng phái Tân tiến sĩ thực thi chương trình cải cách. Tiếp đó, họ loại bỏ những phần tử thuộc phái bảo thủ và sau cùng, phế truất ngôi vua của Changwang (1388 – 1392), dựng nên vương triều mới vào năm 1392, đặt tên nước là Joseon (Triều Tiên), với ý nghĩa kế thừa nhà nước Gojoseon, chọn HanYang làm kinh đô. Năm 1394, YiSeongGye chính thức dời đô từ GaeSeong về HanYang ( sau đổi là Hanseong: Hán thành, tức Seoul ngày nay ).

(1) Bộ máy chính quyền trung ương và cơ cấu hành chính địa phương

So với thời Goryeo, thể chế trung ương tập quyền của vương triều Joseon được thiết lập chặt chẽ hơn và vững vàng hơn.

Ở trung ương, cơ quan quyền lực cao nhất là Ưijeong bu (Nghị chính phủ), dưới là Yukjo (Lục tào hay còn gọi là lục bộ) và nhiều cơ quan khác. Nghị chính phủ quyết định những chính sách quan trọng của đất nước trên cơ sở có sự đồng ý của ba vị quan đầu triều. Còn Lục tào thì đảm đương các công việc hành chính quốc gia. Bên cạnh đó, các cơ quan như Saganwon (Ty gián viện) có nhiệm vụ can gián, cảnh tỉnh nhà vua, giúp nhà vua thực hiện chính sự một cách đúng đắn. Saheonbu (Ty hiến phủ) giám sát hành vi tiêu cực trong quản lý nhà nước; Hongmungwan (Hoằng văn quán) chuyên tư vấn việc nước và soạn thảo giấy tờ theo lệnh nhà vua; Ba cơ quan này được gọi tên chung là Samsa (Tam ty). Ngoài ra, còn có Seungjeongwon (Thừa chính viện) làm thư ký riêng cho nhà vua; Ưigeumbu (Nghĩa cấm phủ) xét xử và trừng trị tội phạm; Chunchugwan ( Xuân thu quán ) chuyên ghi chép về lịch sử và Seonggyunwan (Thành Quân quán), trường học cao cấp nhất (đổi tên từ Quốc tử giám).

Ở địa phương, toàn Joseon được chia thành 8 tỉnh (đạo), dưới là quận, huyện, phường, hương, quan cai trị do trung ương cử xuống. Bên cạnh đó, từng địa phương đều có những tổ chức tự quản gọi là Yuhyangso (Lưu hương sở, sau gọi là Hương sảnh) do Yangban địa phương đảm trách. Với cơ cấu như trên, công việc hành chính địa phương được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa các quan chức nhà nước và Yangban địa phương.

(2) Tình hình kinh tế – xã hội

Trong xã hội Joseon, nông nghiệp là cơ sở kinh tế quan trọng nhất. Việc tăng cường sức sản xuất nông nghiệp được chú trọng, nhà nước đặc biệt quan tâm và triển khai việc khai hoang, cải tạo mở rộng đất nông nghiệp, nâng cao kỹ thuật nông nghiệp nhằm nâng cao sản lượng. Từ thế kỷ XV trở đi, nhất là vào thời vua Sejong (Thế Tông) trị vì (1418 – 1450), kỹ thuật canh tác nông nghiệp được nâng cao rõ rệt. Việc phát hành cuốn sách Nongsajik seol (Nông sự trực thuyết) và sự hướng dẫn mang tính phổ cập rộng rãi đã nâng cao sản lượng rõ rệt. Đặc biệt, kỹ thuật trồng lúa trên ruộng nước cũng đã được áp dụng ở phía Nam Joseon; cách trồng lúa theo phương pháp “di ương pháp”, tức gieo mạ xong rồi đem ra cấy ở ngoài ruộng đã được tiến hành.

Nhờ có kỹ thuật canh tác mới, sản lượng lượng thực tăng đã khiến cho thu nhập của nông dân tăng lên, cuộc sống no đủ. Theo đó, thương nghiệp cũng phát triển. Chợ ở các địa phương do nông dân lập ra và thường họp theo phiên, 5 ngày một phiên. Sản phẩm hàng hoá chủ yếu là tự cung tự cấp như các loại sản phẩm nông nghiệp, thủ công, hải sản, dược liệu, vải bông... Sau đó, họ tập trung lại và tổ chức thành những phường hội. Cuối năm 1401, tiền giấy đã xuất hiện; năm 1423, tiền xu bằng đồng được lưu hành; năm 1464, tiền sắt cũng được tung ra thị trường. Những loại tiền này chủ yếu phục vụ cho việc thu thuế của nhà nước được thuận lợi. Còn trong xã hội, phương thức mua bán vẫn chủ yếu dùng vải gai làm vật trao đổi. Sau này, vải bông đã thay thế vải gai, không những có chức năng trao đổi mà còn dùng để may quan phục phục vụ triều đình.

Từ thế kỷ XVII, thương mại Joseon phát triển với quy mô lớn hơn, địa bàn hoạt động rộng hơn và quan hệ buôn bán giữa Joseon với Trung Quốc, Nhật Bản bằng đường biển đã nhộn nhịp. Chính vì vậy, công nghiệp đóng tàu thời kỳ này cũng phát triển theo.

Cũng từ thế kỷ XVII trở đi, kỹ thuật nông nghiệp ngày càng đạt được những thành tựu đáng kể. Kỹ thuật gieo cấy tăng vụ đã khiến cho năng suất sản lượng ngày càng cao. Công tác thuỷ lợi phục vụ cho tăng vụ cũng được phát triển mạnh. Năm 1662, cơ quan phụ trách đê điều được thành lập. Năm 1778, một công trình tưới tiêu lớn đã được lập dự án và tới cuối thế kỷ XVIII, 6000 hồ chứa nước phục vụ cho gieo trồng hai vụ đã hoàn thành. Ngoài nghề trồng lúa, các ngành gieo trồng sản phẩm khác cũng được nhà nước khuyến khích phát triển, đặc biệt là nhân sâm, thuốc lá, bông...

Trong xã hội Joseon, nhìn chung, về cơ bản có 4 giai tầng: Yangban, Chungmin, Yangmin và Cheonmin.

Yangban là tầng lớp quý tộc, không những giàu có về vật chất mà còn nắm quyền lãnh đạo ở trung ương và địa phương. Ở triều đình, Yangban là những văn quan và võ quan. So với thời Shilla và Goryeo, Yangban Joseon giàu có và có thế lực mạnh hơn, được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Tuy nhiên, Yangban Joseon không phải là tầng lớp duy nhất nắm giữ đặc quyền lãnh đạo mà hệ thống thi cử, tiến cử quan lại mở rộng và đều đặn đã giảm thiểu tính độc quyền của họ.

Dưới Yangban là Chungmin (tầng lớp trung lưu), bao gồm các quan lại cấp dưới ở địa phương, các thày đồ, thày thuốc, phiên dịch...

Dưới Chungmin là Yangmin (thường dân), bao gồm nông dân, thợ thủ công, các nhà buôn bán...

Dưới cùng là Choenmin (tiện dân), bao gồm nô tỳ và gia nhân...

Trong xã hội Joseon, mọi nghi lễ, nghi thức đều dựa trên nguyên tắc của Tân Khổng giáo. Những quy định ngặt nghèo của Nho giáo càng được đẩy lên cao hơn, thậm chí tới mức cực đoan. Cùng theo tam cương, ngũ luân, nhưng Tân Khổng giáo Joseon nghiêng lệch về vế thứ hai: bề tôi phải tuyệt đối trung thành với nhà vua, con phải thờ cha mẹ chí hiếu, vợ phải nhất nhất phục tùng chồng, em phải luôn tuân theo huynh trưởng, bạn bè phải tuyệt đối giữ chữ tín. Trong đời người, 4 nghi lễ quan trọng phải thực hiện nghiêm chỉnh, đó là quan, hôn, tang tế (tức nghi lễ đội mũ, hôn nhân, tang ma, thờ cúng tổ tiên).

(3) Chế độ khoa cử và phát triển văn hoá

Quan lại thời Joseon chủ yếu được tuyển chọn thông qua thi cử. Nếu không thuộc tầng lớp tiện dân thì ai cũng được đi học và tham dự các kỳ thi. Tuy vậy, phần lớn đối tượng được học hành và thi cử đều thuộc tầng lớp Yangban và Chungmin.

Trường học lớn nhất được xây dựng ở kinh đô, gọi là Seong Gyun gwan (Thành quân quán), đổi tên từ Quốc tử giám; bốn trường lớn ở địa phương thuộc Thành quân quán là Trường Đông, Trường Tây, Trường Nam và Trường Trung. Ở các quận huyện, các trường ở địa phương gọi chung là Hương hiệu. Đây là các trường do nhà nước thành lập, nhà nước cử thày dạy và cung cấp sách kinh điển Nho gia. Nhà nước còn lập Dưỡng hiền khố để thưởng cho những nho sinh xuất sắc, khuyến khích học tập.

Ở các địa phương, trường tư được mở rộng rãi, thậm chí có thời kỳ còn lấn át trường công. Sở dĩ giáo dục ở trường tư thời Joseon phát triển như vậy trước hết là do tinh thần hiếu học của dân tộc Hàn, hơn nữa, đó cũng là con đường tiến thân duy nhất, đồng thời, nhà nước còn khuyến khích, miễn cho thuế và lao dịch.

Nhà nước Joseon cứ đều đặn 3 năm mở một khoa thi. Khoa thi Hương được tổ chức vào những năm tí, ngọ, mão, dậu; khoa thi Hội được tổ chức vào những năm thìn, tuất, sửu mùi, chọn ra 33 tiến sĩ rồi vào điện thí (tức thi trong cung điện của nhà vua), chọn ra 3 người đỗ đầu, gọi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa giống như Trung Quốc và Việt Nam.

Về văn hoá, trên cơ sở ổn định khá dài của tình hình chính trị và sự phát triển về kinh tế, văn hoá Joseon đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng:

Trước hết phải kể đến sự sáng tạo ra chữ Hàn (Hangưl). Năm 1443, vua Sejong (Thế Tông) ra sắc lệnh nghiên cứu và sáng tạo một hệ thống chữ viết của dân tộc để có thể ghi một cách dễ dàng và tiện lợi tiếng Hàn Quốc. Ông đã cùng các văn thần bỏ nhiều công sức trong mấy năm trời, đến năm 1446, chữ Hangưl đã được sáng tạo ra và từng bước làm thay đổi một cách toàn diện đời sống ngôn ngữ của người Hàn Quốc. Chữ Hangưl, đương thời gọi là Huấn dân chính âm (âm chuẩn mực dạy cho dân chúng) mới có 28 chữ cái, trải qua các thời kỳ lịch sử, ngày càng được hoàn thiện và nay trở thành văn tự chính thống trên toàn bán đảo.

Hai là biên soạn lịch sử được chú trọng. Các bộ sử lớn như Cao Ly sử, Triều Tiên vương triều thực lục được viết theo lối biên niên đã ra đời.

Ba là văn học phát triển đến đỉnh cao. Văn học chữ Hán và văn học chữ Hàn cùng được phát huy đã làm phong phú thêm cho bức tranh toàn cảnh của văn học thời kỳ Joseon. Nếu đánh giá cao văn học chữ Hán trong lĩnh vực thi ca thì văn học chữ Hàn chiếm lĩnh lĩnh vực tiểu thuyết. Hơn nữa, văn học dịch đã hình thành ngay từ khi chữ Hàn (Hangưl) ra đời và phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XVI. Không chỉ văn học chữ Hán của Hàn Quốc mà văn học chữ Hán của Trung Hoa cũng được biên dịch sang tiếng Hàn và phổ biến khá rộng rãi.

Bốn là những tác phẩm, công trình nghiên cứu có liên quan đến nông nghiệp đã có giá trị thiết thực đối với đời sống xã hội. Tác phẩm Nông sự trực thuyết đã nêu ở trên là một ví dụ điển hình. Lại nữa, các ngành như thiên văn, khí tượng, lịch pháp rất phát triển. Chiếc máy đo lượng mưa[1] để xác nhận lượng nước mưa ở từng vùng phục vụ cho nông nghiệp đã ra đời vào năm 1442, sớm hơn tới 200 năm so với chiếc máy có công dụng tương tự ở phương Tây. Một số dụng cụ đo sức gió cũng được phát minh. Một đài thiên văn, đồng hồ mặt trời, đồng hồ nước cũng được sáng chế... Đặc biệt, kỹ thuật in ấn đã đạt được thành tựu to lớn với việc sáng tạo ra cách in bằng các con chữ rời, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp chữ mà còn có thể in liên tục nhiều bản.

Trong lĩnh vực tư tưởng, tôn giáo và tín ngưỡng, Joseon tuy từng bước hạn chế sự phát triển của Phật giáo và Đạo giáo, đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn nhưng vẫn thừa nhận và cho phép các tôn giáo khác hoạt động trong phạm vi nhất định.

(4) Sự xâm lược của Nhật Bản năm Nhâm thìn và của người Hồ năm Bính tí

Năm Nhâm thìn (1592), lấy cớ mượn đường sang chinh phục nhà Minh, quân đội Nhật ồ ạt tiến công vào vùng Busan rồi chia làm hai mũi tiến lên phía Bắc. Quân đội Joseon tổ chức phòng ngự nhưng không cản nổi bước tiến của quân Nhật. Nhà vua phải rời bỏ kinh đô đi lánh nạn và kêu gọi toàn dân kháng chiến, đồng thời, cử sứ thần sang nhà Minh xin cứu viện.

Khác với tình hình trong đất liền, thuỷ quân Joseon do tướng YiSunSin (Lý Thuấn Thần) chỉ huy đã sử dụng tàu chiến hình con rùa giao chiến với thuỷ quân Nhật Bản và giành được nhiều thắng lợi. Cùng với thắng lợi của thuỷ quân trên biển, ở đất liền, phong trào nghĩa binh nổi lên và quân chi viện nhà Minh tiến sang đã đẩy lùi quân Nhật đến vùng biển Gyeongsangdo. Quân Nhật đề nghị đình chiến và thương lượng. Sau 3 năm đàm phán không thành công, quân Nhật lại phát động cuộc tấn công. Khác với lần trước, lần này, quân đội Joseon liên kết với quân Minh đã nhanh chóng đánh đuổi quân Nhật ra khỏi bán đảo. Cuộc chiến loạn kéo dài 7 năm mới chấm dứt và lịch sử Hàn Quốc gọi cuộc chiến tranh này là Nhâm thìn Oa loạn.

Sau 7 năm chiến tranh, Joseon đã chịu sự thiệt hại lớn nhất trong lịch sử. Quân Nhật tàn phá không thương tiếc những công trình kinh tế, văn hoá... mà người dân Joseon phải mất hàng trăm năm mới xây dựng được.

Đến đầu thế kỷ XVII, nhà Minh và Joseon cùng suy yếu sau cuộc chiến tranh chống Nhật thì ở vùng Mãn Châu, tộc người Nữ Chân đã lập nên nhà nước Hậu Kim, sau đổi quốc hiệu là Thanh.

Nhà Thanh ngày một lớn mạnh và gây sức ép với Joseon, buộc phải chấp nhận quan hệ chư hầu. Triều đình Joseon phản đối và vua Thái tổ nhà Thanh huy động 10 vạn quân tiến đánh Joseon. Sự kiện này xảy ra vào năm Bính tí (1636) và lịch sử Hàn Quốc gọi là Bính tí Hồ loạn (Hồ: chỉ tộc người Nữ Chân). Quân Thanh chiếm được kinh đô, vua Joseon là Injo (Nhân Tổ) chỉ huy quân đội chống trả nhà Thanh ở Nam Han Sanseong (Nam Hán Sơn thành) suốt 45 ngày đêm nhưng cuối cùng phải chấp nhận yêu cầu của nhà Thanh, đồng ý hoà nghị một cách bất bình đẳng, phải triều cống và làm chư hầu liên minh.

So với cuộc chiến tranh với Nhật Bản, cuộc chiến này tuy ngắn nhưng những tổn thất ở vùng Tây Bắc bán đảo cũng rất lớn. Đặc biệt, sự chấp nhận hoà nghị bất bình đẳng của tầng lớp sĩ đại phu giai đoạn này đã bị lên án suốt một thời gian dài sau đó.

Trải hai cuộc chiến tranh, xã hội Joseon đã có những biến động lớn theo chiều hướng xấu, dẫn đến khủng hoảng kinh tế và chính trị một thời gian dài.

(5) Phong trào Sirhak (Thực học) và phong trào nông dân (Đông học)

Trước hiện thực xã hội suy thoái trầm trọng sau hai phen binh lửa, một bộ phận nho sĩ cấp tiến đã phản đối Lý học của Tân Khổng giáo bảo thủ và cứng nhắc, nêu ra luận thuyết mới gọi là Sirhak (Thực học), trên cơ sở đó đưa ra phương án cải cách chính trị, xã hội, chú trọng tới thực tế.

Các nhà tiên phong trong phong trào này là YiXuGwang (Lý Tuý Quang), Gim Yuk (Kim Dục)... Tuy nhiên, ở vào đầu thế kỷ XVII thì Sirhak chưa được mở rộng và phát triển thành phong trào.

Sang thế kỷ XVIII, Sirhak (Thực học) được mở rộng và trở thành một phong trào xã hội, phái Thực học yêu cầu triều đình Joseon phải thay đổi chủ trương, phải cải cách chế độ ruộng đất trên cơ sở lấy người nông dân làm trung tâm, phải coi trọng cả công thương nghiệp tiến tới chấn hưng công thương nghiệp để phát triển đất nước. Đây chính là sự phát triển mới của phong trào Sirhak.

Song song với yêu cầu thay đổi về mặt chủ trương, học phái Sirhak nghiên cứu học thuật bằng phương pháp thực chứng và áp dụng kết quả nghiên  cứu đó vào thực tế đời sống trên tinh thần tự do phê phán. Từ đó, họ đưa ra những kết luận bằng các chứng cớ xác thực.

Thế kỷ XVIII, dưới thời vua Yeongjo (Anh Tổ: 1724 – 1776) và vua Jeongjo (Chính Tổ: 1776 – 1800), với nền chính trị và kinh tế được cách tân, ở mức độ nào đó, xã hội được ổn định, kinh tế và văn hoá cũng có những nét mới mẻ.

Khi vua Jeongjo mất, vua Sunjo (Thuần Tổ) lên ngôi vẫn còn nhỏ tuổi nên quyền lực trong triều rơi vào tay của một số gia đình thông gia với vương thất. Nền chính trị đó được gọi là Chính trị Thế đạo (Sedojeongchi) và nhà vua không có thực quyền. Nền chính trị này kéo dài 60 năm, trải ba đời vua là Sunjo (Thuần Tổ), Heonjong (Hiến Tông) và Cheoljong (Triết Tông). Thế lực ngoại thích mà tiêu biểu là dòng họ Kim ở An Đông (Andong Gimssi) và họ Triệu ở Phong Nhưỡng (Pungyang Jossi) luôn độc chiếm các chức vụ cao trong triều và làm rối loạn chính sách nhà nước.

Dưới nền chính trị Thế đạo, xã hội Joseon rối ren, tham quan ô lại hoành hành, cuộc sống của người dân bị bần cùng hoá và quan trọng hơn là niềm tin bị đánh mất, lòng người bất an. Trong khi đó, tôn giáo đương thời không đáp ứng được nhu cầu về mặt tâm linh của dân chúng. Đúng vào thời gian này, Choe Je U (Thôi Tế Ngu), một yangban sa sút ở vùng Gyeongju đã đưa ra một tôn giáo mới trên cơ sở dung hợp Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian truyền thống, gọi là Donghak (Đông học).

Triều đình Joseon coi Đông học là tà đạo và đã xử tử hình Choe Je U. Nhưng sau đó, các đệ tử của ông đã nối nghiệp và tuyên truyền Đông học trong nông dân. Tiêu biểu trong số người kế tục sự nghiệp của Choe Je U là Jeon Bong Jun (Trần Bông Chuẩn), ông nêu khẩu hiệu “Trừ diệt tham quan ô lại, cứu bách tính” và tập hợp nông dân tấn công các trụ sở quan lại, phá kho lương thực chia cho nông dân, giải phóng cho những người bị giam giữ. Tới đây, phong trào Đông học đã biến thành khởi nghĩa nông dân Đông học (1894).

Triều đình cử quan lại và phái quân đội đến đàn áp nhưng thất bại và đội quân nông dân đã đánh chiếm gần như toàn bộ các vùng đất phía Nam. Triều đình vội tìm kế hoãn binh, ký hoà ước nhượng bộ với đội quân nông dân và cầu cứu nhà Thanh.

Cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản đã nổi lên như một cường quốc ở phương Đông và có quan hệ thương mại mở rộng với Joseon. Bởi thế, khi quân nhà Thanh tiến vào Joseon thì Nhật Bản cũng tiến sang. Cuộc chiến chênh lệch về lực lượng giữa đội quân Đông học với quân đội Nhật Bản và nhà Thanh đã diễn ra trong thời gian ngắn. Cuối cùng, khởi nghĩa Đông học bị dập tắt, Jeon Bong Jun bị quân Nhật bắt và xử tử hình.

Ngay sau đó, do tranh chấp về quyền lợi, chiến tranh giữa quân đội Nhật Bản và nhà Thanh đã nổ ra trên bán đảo và quân đội nhà Thanh cũng thất bại nhanh chóng. Nhật Bản dựa vào sức mạnh của mình từng bước can thiệp sâu vào nội chính Joseon và tới năm 1910 thì chính thức phế bỏ ông vua cuối cùng của triều đại này là Sunjong (1907 – 1910), đặt ách cai trị trên toàn bán đảo.

Lý Xuân Chung

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

 

Các tài liệu tham khảo chính

  1. Lịch sử Hàn Quốc; Đại học Quốc gia Seoul biên soạn; Nxb Đại học Quốc gia Hà nội.
  2. Hàn Quốc: Lịch sử và văn hoá; Nxb Văn hoá 1996.
  3. Hàn Quốc: Lịch sử và văn hoá;, Nxb Chính trị Quốc gia 1995.
  4. Xã hội Hàn Quốc hiện đại; Đại học Quốc gia Seoul biên soạn; Nxb Đại học Quốc gia Hà nội.
  5. Hàn Quốc (Đất nước- Con ngưòi); Trung tâm thông tin Hải ngoại Hàn Quốc xuất bản; Seoul Hàn Quốc


[1] Máy đo lượng mưa này là một dụng cụ bằng sắt, hình trụ, cao khoảng hơn 42cm, đường kính 17cm được đặt ở ngoài trời để đo lượng mưa.


Scroll To Top