Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC GORYEO (918-1392)

Đăng ngày:

WangGeon (Vương Kiến) vốn xuất thân từ vùng Songak, ông ủng hộ GungYe và trở thành võ tướng dưới quyền của GungYe. Trong quá trình dựng nên Hu-Goguryeo, Wang Geon lập nhiều công lớn và được thăng tới chức Sijung (Thị trung). Sau khi lên ngôi, GungYe mắc sai lầm nghiêm trọng tự xưng là Phật Di Lặc và nghi kỵ tàn sát các công thần, đánh mất lòng dân. Do đó, triều thần đã phế truất GungYe và đưa Wang Geon lên ngôi vị quốc vương. WangGeon đổi tên nước là Goryeo (Cao Ly), với ý nghĩa kế thừa Goguryeo xưa, lấy niên hiệu là Cheonsu (Thiên Thụ) (năm 918), định đô ở KaeSeong (Khai Thành).

Nhà nước Goryeo kéo dài 475 năm, trải 33 đời vua, mở đầu là WangGoen Taejo (Thái tổ Vương Kiến: 918 – 943), kết thúc là Changwang ( Xương Vương: 1388 – 1392).

(1) Thiết lập trật tự xã hội và thống nhất dân tộc

WangGoen Taejo (Thái tổ Vương Kiến) đã thắt chặt mối quan hệ với các hào tộc địa phương, tạm thời chấp nhận và cho họ quyền cai quản một số điền trang thái ấp ở Goryeo. Ông đã cưới 20 tiểu thư của các gia đình hào tộc, tạo nên mối quan hệ thân thiết, đồng thời, còn ban quốc tính cho một số dòng họ có thế lực khác. Tuy vẫn còn coi trọng Phật giáo, kế thừa di sản của Phật giáo Shilla, Baekje, cho xây dựng nhiều chùa lớn nhưng ông vẫn có ý định mở rộng chính sách, cho phép Nho giáo, Đạo giáo cùng tồn tại, tích cực tiếp thu văn hoá văn minh Trung Hoa trên tinh thần cải biến sao cho cho phù hợp với phong tục tập quán của Goryeo. Hơn nữa, Taejo còn soạn thảo Những phòng ngừa về chính trị; Mười điều huấn thị; Các quy tắc quan chức để răn dạy con cháu và các quan nhằm đảm bảo cho tương lai của Goryeo.

Những chính sách của Taejo đã tạo ra một sự hoà hợp dân tộc, được lòng dân và xã hội Goryeo dần ổn định và phát triển. Tuy vậy, về lâu dài, chính sách của Taejo để lại một hậu quả là thế lực địa phương, đặc biệt là ngoại thích ngày càng lớn hơn và thay nhau nắm giữ quyền lực trong triều, đe doạ đến vương quyền. Chẳng hạn như dòng họ An San Kim sau này độc quyền trong triều khoảng 50 năm (từ 1009 đến 1060), dòng họ Inju Yi năm giữ khoảng 80 năm (từ 1046 đến 1127).

Đến đời vua Jeongjong ( Định Tông: 945 – 949 ), kế tiếp là Gwangjong (Quang Tông: 949 – 975), một số chính sách mới đã được triển khai để ổn định và củng cố vương quyền. Gwangjong ban bố chính sách giải phóng nô tỳ mà các hào tộc đang chiếm giữ; thi hành chế độ khoa cử để tuyển dụng nhân tài, bổ sung vào cơ quan hành chính, đồng thời, dùng biện pháp vũ lực đánh dẹp những thế lực địa phương chống đối chính sách mới.

Đến đời vua Seongjong (Thành Tông: 981 – 997), Goryeo lấy tư tưởng chính trị Nho giáo làm căn bản và xây dựng chế độ chính trị trên cơ sở đó. Về cơ cấu tổ chức trung ương, Goryeo mặc dù tiếp nhận mô hình tam tỉnh lục bộ của Đường, Tống nhưng chỉ lập ra nhị tỉnh lục bộ, tức chỉ có Trung thư môn hạ tỉnh (hợp nhất Trung thư tỉnh và Môn hạ tỉnh) và Thượng thư tỉnh. Thượng thư tỉnh trực tiếp điều hành lục bộ. Ngoài ra, Goryeo còn đặt ra các cơ quan như Samsa (Tam ty), Eosadae (Ngự sử đài), Jungchuwon (Trung xu viện) và Dobyeongmasa ( Đồ binh mã sứ ). Đồ binh mã sứ tương đương như Cơ mật viện sau này, các quan đầu triều họp bàn những chính sách quan trọng của nhà nước.

Từ đời vua Seongjong (Thành Tông), cả nước được chia thành 12 Mok (mục), dưới mục là châu, huyện và triều đình cử quan lại xuống cai trị; Thủ đô được đặt ở Gaeseong (khai thành) và vùng xung quanh được gọi là khu vực Gyeonggi (kinh kỳ). Pyeongyang (Bình Nhưỡng) được gọi là Tây kinh, Gyengju (Khánh Châu) được gọi là Đông Kinh, hợp với kinh đô gọi là tam kinh.

Quân đội được hình thành từ nhị quân, lục vệ của trung ương và quân các châu, huyện. Nhị quân được giao nhiệm vụ canh giữ cung cấm, lục vệ bảo vệ kinh đô và biên giới quốc gia. Quân châu huyện bảo vệ trị an và đảm nhiệm các công việc quân dịch.

(2) Nội loạn và sự thành lập chính quyền võ thần

Loạn Yija Gyeom (Lý Tư Khiêm) và Myo Cheong (Diệu Thanh)

Dòng họ YijaGyeom có quan hệ hôn nhân nhiều đời với vương thất và trở thành một dòng họ ngoại thích có thế lực nhất đương thời. Đặc biệt, Yija Gyeom đã gả hai con gái cho Yejong (Duệ Tông) và Injong (Nhân Tông) làm vương phi nên càng lộng hành và lấn át quyền vua. Điều này khiến vua Injong lo ngại và muốn loại bỏ Yija Gyeom. Việc bị bại lộ và Yija Gyeom kéo quân chiếm kinh thành, đốt cung điện (năm 1126). Vua Injong thoát nạn và sau đó đã dẹp được loạn, giết chết Yija Gyeom.

Sau loạn Yija Gyeom, Myocheong (Diệu Thanh), một tăng lữ xuất thân ở Seogyoeng (Tây Kinh) cùng với quan đại thần Jeong Ji Sang (Trịnh Tri Thường) lợi dụng lúc lòng dân bất ổn đã nêu thỉnh cầu vua Iujong xưng đế hiệu và chinh phạt nước Kim. Để thực hiện điều này, họ khẩn thiết đề nghị nhà vua dời đô về Seogyeong(Tây Kinh). Nhà vua nghiêng về kiến nghị trên, cho xây cung điện ở Seogyeong và thường xuyên lui về đó.

Nhưng, thế lực chính trị ở kinh đô phản đối việc dời đô. Do đó, Myeocheong đã cầm đầu những người Seogyeong nổi loạn, đặt tên nước là Daewiguk (Đại vĩ quốc), lấy niên hiệu là Thiên khai. Lập tức, quân triều đình do GimBusik (Kim Phú Thức) làm tư lệnh đã tấn công Seogyeong và khoảng một năm sau, cuộc phản loạn bị dập tắt.

Nội loạn đã để lại hậu quả nặng nề, các kinh thành và làng mạc bị đốt phá, tài chính quốc gia suy kiệt, cuộc sống của người dân đói kém, lòng dân bất ổn.

Sự thành lập chính quyền võ thần

Năm thứ 9 đời vua Gwangjong, tức năm 958, nhà vua ra sắc lệnh lập Văn Miếu, Quốc tử giám và mở khoa thi Nho học, lựa chọn nhân tài để bổ nhiệm vào cơ quan hành chính nhà nước. Tới đầu thế kỷ XII thì hàng ngũ quan lại qua khoa cử ở Goryeo đã ổn định theo các cấp bậc từ trung ương đến địa phương. Nho giáo Goryeo không những đã vượt lên trên Phật giáo mà còn được coi trọng quá mức. Trong triều đình, văn ban được đề cao hơn võ ban, phẩm hàm của quan văn được xếp cao hơn quan võ. Ngoài xã hội, vị trí xã hội và kinh tế của binh lính bị hạ thấp, không được phân chia đất đai như trước đây , chỉ hưởng lương theo cấp bậc mà còn phải thường xuyên bị huy động đi lao dịch trong thời bình.

Nội loạn xảy ra, công lao của võ tướng và binh lính trong việc dẹp loạn không phải là nhỏ, nhưng nhà vua và giới quý tộc vẫn xem thường võ tướng. Vua Ưijong kế nghiệp Injong lại chỉ thích vui chơi, hội hè đình đám và nghe theo đám quan văn nịnh thần, bởi thế, đám quan văn càng khinh rẻ đám võ quan. Do cách đối xử như vậy, sự nổi dậy của các võ quan là điều không thể tránh khỏi. Nhân thời cơ vua Ưijong đi vui chơi ở Phổ hiền viện ở ngoại ô, các võ tướng do Jeong Jung Bu (Trịnh Trọng Phu) cầm đầu đã làm cuộc chính biến (năm 1170). Đám quan võ tàn sát các quan văn, đày vua Ưijong đi biệt xứ, dựng người em sinh đôi với Ưijong lên ngôi và chiếm lấy chính quyền. Thời gian các võ quan nắm quyền kéo dài khoảng 100 năm, trong đó, 60 năm cuối, dòng họ Choe (Thôi) độc chiếm quyền lực.

Thời gian đầu, chính quyền võ quan do Jeong Jung Bu đứng đầu còn phải chống trả vất vả với các cuộc nổi dậy của đám văn quan muốn phục hồi vương vị cho vua Ưijong, sau đó, xã hội mới dần ổn định theo thiết chế quân sự. Kế tiếp Jeong Jung Bu là Gyeong Dae Seung (Khánh Đại Thăng) và Yi Ưi Min (Lý Nghĩa Mẫn).

Theo nghiên cứu và công bố mới đây, Lý Nghĩa Mẫn là hậu duệ đời thứ 6 của dòng họ Lý ở Tinh Thiện (Seong Sun), tức dòng họ Lý Dương Côn (Việt Nam) chạy sang Goryeo từ cuối đời vua Càn Đức, tức Lý Thần Tông (1128 – 1138) Lý Nghĩa Mẫn từng có nhiều công lao trong thời kỳ võ quan nắm quyền ở Goryeo, quyền hành gần như Tể tướng, đứng đầu chính quyền Goryeo trong sáu năm (1190 – 1196).

Sau Lý Nghĩa Mẫn, quyền lực trong triều Goryeo rơi vào tay dòng Choe và dòng họ này duy trì được 4 đời, khoảng 60 năm. Xã hội Goryeo thời kỳ này khá ổn định so với thời kỳ đầu và dòng họ Choe (Thôi) đã để lại những dấu ấn lịch sử nhất định, nhất là những cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.

 

(3) Kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông

Từ năm 1231 đến năm 1259, Goryeo đã phải 6 lần chống trả các cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông.

Cuộc kháng chiến lần thứ nhất diễn ra vào năm 1231, quân dân Goryeo đã đồng tâm hiệp sức chống lại quân Mông Cổ. Đặc biệt, tại thành Gwiju (Quy Châu), dưới sự chỉ huy của Bakseo (Phác Tề), quân dân trong thành đã giữ vững thành trì, bẻ gãy cuộc xâm lược này.

Cuộc kháng chiến lần thứ hai xảy ra vào năm 1232 với sự đóng góp to lớn của Lý Long Tường, một Hoàng thân nhà Lý Việt Nam sang Goryeo tỵ nạn vào năm 1226. Những di tích như Thụ hàng môn, Bia kỷ tích còn lại đến ngày nay đã ghi rõ công trạng đó và đã được giới sử học hai nước xác nhận.

Trong thời gian chống quân Nguyên Mông, lợi dụng tâm lý sự biển của quân Mông Cổ, triều đình Goryeo đã rút ra đảo Ganghwa, một hòn đảo ở vùng biển phía Tây Nam bán đảo. Để thu phục lòng dân và hy vọng nhờ sức mạnh của Đức Phật đẩy lùi được quân Mông Cổ, triều đình Goryeo đã cho khắc lại bộ kinh Tam Tạng. Công việc này được hoàn thành sau 16 năm và có lẽ chỉ mang tính chất cổ xuý về tinh thần chống giặc ngoại xâm. Dẫu sao, hàng ngàn bản khắc gỗ kinh Phật hiện còn lưu giữ ở chùa Haein gần Daegu là một trong những di sản văn hoá rất đáng tự hào của dân tộc Hàn. Bản kinh Phật này hiện nay đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Ở trong đất liền, chính quyền họ Choe (Thôi) đã biết tập hợp lực lượng, vận động toàn dân lợi dụng địa hình núi non và hải đảo để kháng chiến. Trong một trận chiến, Gim Yun Hu (Kim Doãn Hầu) chỉ huy quân đội và dân địa phương đã giết chết Sallita ( Sát Lễ Tháp ), viên tướng chỉ huy quân Mông Cổ, đánh bại một cuộc tấn công nữa của quân giặc.

Sau mấy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chính quyền họ Choe (Thôi) đã không quan tâm đến dân chúng bị lầm than trong chiến tranh mà ngược lại còn thực hiện các chính sách sưu cao thuế nặng để duy trì chính quyền và sống xa hoa ở đảo GangHwa dẫn đến làm mất lòng dân. Bởi thế, người nắm quyền tối cao là Choe Ưi bị sát hại và chính quyền họ Choe sụp đổ.

Sau thời kỳ võ quan nắm quyền, triều đại Goryeo đã có sự trở lại của các văn quan và việc giảng hoà với quân Mông Cổ đã được đặt ra. Thái tử của Goryeo được cử đi thương lượng và hai bên đã ký một hiệp ước giảng hoà một cách thuận lợi.

Theo hiệp ước này, tuy nhà Nguyên thừa nhận chế độ và phong tục của Goryeo nhưng Goryeo phải chịu một số ràng buộc nhất định thông qua một cơ quan hành chính của nhà Nguyên đặt tại Goryeo gọi là Chinh Đông hành tỉnh và Thái tử Goryeo phải kết hôn với công chúa của nhà Nguyên, vương tử phải được giáo dục ở kinh đô nhà Nguyên.

Sự ràng buộc của nhà Nguyên đối với Goryeo kéo dài gần 80 năm. Đến khoảng giữa thế kỷ XIV, khi nhà Nguyên suy thoái, Goryeo mạnh lên thì sự lệ thuộc mới chấm dứt.

(4) Kinh tế và văn hoá Goryeo

Về kinh tế, nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế Goryeo. Bởi thế, việc phân chia đất đai và lực lượng nông dân có tầm quan trọng đặc biệt.

Hệ thống ruộng đất có đặc điểm cơ bản là: đất công thuộc sở hữu nhà nước và đất tư thuộc sở hữu tư nhân. Đất công bao gồm đất trả lương cho các quan lại, (binh lính Goryeo thời kỳ đầu cũng được hưởng đất theo chế độ lương bổng, thời kỳ sau chỉ được nhận tiền lương), đất phân cho các cơ quan nhà nước, tu viện, đền chùa… Người nông dân tự do có thể nhận đất công, canh tác và phải nộp 1/4 số thu hoạch. Đất tư là đất của các dòng họ, gia đình quý tộc, đất được nhà vua ban thưởng và gia đình quý tộc có thể thu tới 1/2 số thu hoạch, bởi người canh tác trên ruộng đất của họ thường là nô tỳ và gia nhân. Tuy vậy, người nông dân ngoài việc nộp tô còn phải đi lao dịch tuỳ theo từng thời kỳ, thời gian từ 3 đến 6 tháng một năm và phải tự lo khẩu phần ăn uống hàng ngày.

Thương mại tuy chưa phải là phần quan trọng trong nền kinh tế Goryeo nhưng việc buôn bán với Trung Quốc đã phát đạt. Ngoài ra, Goryeo cũng đã có quan hệ thương mại với các dân tộc ở vùng Mãn Châu và Sibêrya, Nhật Bản, Ả Rập… Thương hiệu Korea (chuyển từ tên Goryeo) đã được nhiều nước trong khu vực biết đến. Người Việt Nam biết đến Goryeo qua phiên âm chữ Hán là Cao Ly.

Về văn hoá, so với thời Shilla thống nhất thì Goryeo thống nhất đã có sự phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực về văn hoá như văn học, sử học, nghệ thuật, y học, tôn giáo…

Phật giáo thời kỳ đầu Goryeo phát triển rất mạnh. Vua Taejo tin rằng Đức Phật phù hộ cho ông thành công trong việc dựng nước nên đã ra lệnh xây nhiều chùa lớn và đưa Phật giáo lên vị trí chính yếu. Các đời vua sau kế tiếp sự nghiệp của cha ông càng tôn sùng Phật giáo và các nghi lễ của Phật giáo không chỉ giới hạn trong nhà chùa mà còn mở rộng ra dân gian. Di sản Phật giáo thời kỳ này còn lưu lại là vô số những ngôi chùa lớn được xây dựng công phu. Thời kỳ sau, tuy Phật giáo phải nhường chỗ cho Nho giáo nhưng bộ kinh Tam Tạng được khắc trong thời kỳ chống giặc Mông Cổ cũng là một di sản quý báu.

Năm 958 (Năm thứ 9 đời vua Gwangjong), Văn Miếu – Quốc Tử Giám được lập nên đã chính thức khẳng định chỗ đứng của Nho giáo trên đất Goryeo. Trải hơn hai thế kỷ hình thành, phát triển, Nho giáo Goryeo đi theo hướng cực đoan và đã phải trả giá đắt cho sự trỗi dậy của lực lượng võ quan. Trong suốt 100 năm võ quan cầm quyền, Nho giáo hầu như vắng bóng trên chính trường, các văn quan và nho sinh bị tàn sát và khoa cử Nho giáo bị đình trệ.

Cuối thời kỳ Goryeo, Tân Khổng giáo được du nhập và phát triển nhanh chóng. Tân Khổng giáo từng bước đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Phật giáo và đã có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Goryeo, khoa cử Nho giáo được khôi phục và dần đi vào nề nếp.

Thời Goryeo, những bộ sử lớn đã được biên soạn, tiêu biểu là Tam quốc sử ký do Gim Bu Sik (Kim Phú Thức) soạn, Tam quốc di sự do nhà sư IrYon (Nhất Nhiên) soạn. Tam quốc sử ký là bộ chính sử, ghi chép lịch sử đất nước một cách chính thống, còn Tam quốc di sự là bộ dã sử, không chính thống. Bộ Tam quốc sử ký mang đậm tư tưởng Nho giáo, còn Tam quốc di sự lại mang tư tưởng Phật giáo. Ngoài ra, còn có Đông Minh vương thiên Đế vương vận ký. Đông Minh vương thiên do YiGoeBo (Lý Khuê Báo) soạn, là bộ sử viết bằng thơ chữ Hán trường thiên, nội dung viết về thần thoại Chu Mông, thần thoại dựng nước Goguryeo. Đế vương vận ký cũng là bộ sử được viết bằng thơ chữ Hán trường thiên do Lý Thừa Hưu viết.

Tuy là những bộ sử nhưng trong đó, các giá trị văn học cũng được thừa nhận. Tính văn học được đề cao đã khiến cho giới văn học Hàn Quốc chú ý và khai thác nhiều, từ đó, khẳng định giá trị văn chương của các bộ sử nói riêng, văn chương thời Goryeo nói chung. Văn học chữ Hán thời kỳ này đã nở rộ, chủ yếu học theo lối văn Tần Hán, thơ Thịnh Đường. Tuy vậy, truyền thống sáng tác hyangca (bài ca dân gian) từ thời Shilla vẫn tồn tại. Đặc biệt, phê bình văn học đã hình thành và phát triển, thúc đẩy văn học Goryeo ngày một hoàn thiện hơn. Nổi bật là những tác phẩm như Phá nhàn tập của YiInRo (Lý Nhân Lão), Bạch Vân tiểu thuyết của YiGoeBo (Lý Khuê Báo), Bổ nhàn tập của Choesa (Thôi Tư)… Về mỹ thuật, nổi bật là gốm men màu ngọc bích, được đánh giá rất cao, được xem như đỉnh cao nhất của thành quả nghệ thuật Goryeo…

(5) Loạn giặc Wa (Nhật Bản), giặc khăn đỏ và sự xuất hiện thế lực mới lật đổ vương triều Goryeo

Vào thời vua Gong Min (1351 – 1374), giặc Wa và giặc khăn đỏ thường xuyên quấy rối Goryeo.

Giặc Wa là hải tặc có căn cứ ở đảo Tsushima của Nhật. Từ đầu thế kỷ XIV, chúng xâm nhập vùng duyên hải và cướp bóc, thậm chí, có đợt, chúng cướp phá ở đảo GangHwa và uy hiếp cả kinh đô.

Giặc khăn đỏ là quân nông dân của tộc người Hán lợi dụng lúc nhà Nguyên suy yếu để tạo phản. Chúng liên tục tấn công Goryeo và có đợt đã tiến vào GaeSeong, vua Gong Min phải đi lánh nạn ở tận vùng Andong, vùng đất thuộc miền Đông Nam bộ.

Lúc đó, các tướng lĩnh Choe Yeong (Thôi Doanh), YiSeongGye (Lý Thành Quế) Choe Mu Seon (Thôi Mậu Tuyên) đã đứng ra lãnh đạo binh sĩ đánh trả giặc Wa và lập nhiều công lớn. Trong quá trình hợp lực đánh đuổi giặc Wa và giặc khăn đỏ, thế lực võ thần do Choe Yeong và Yi Seong Gye cầm đầu đã trưởng thành và lớn mạnh.

Thời kỳ này, ở Trung Quốc, nhà Minh đã thay nhà Nguyên. Ban đầu, quan hệ giữa Goryeo và nhà Minh vẫn giữ quan hệ hữu hảo. Nhưng nhà Minh yêu cầu Goryeo giao lại vùng đất của Goryeo ở phía Bắc mà nhà Minh cho rằng thuộc Trung Quốc xưa. Quan hệ hai nước xấu đi, Goryeo từ chối yêu cầu của nhà Minh, hơn nữa, còn cử Yi seong Gye đem quân tiến đánh muốn giành lại vùng đất Liêu Đông mà nhà Minh đã chiếm giữ. Yi Seong Gye dẫn 5 vạn quân hướng về phía Liêu Đông nhưng đến WiHwado liền  quay trở lại chiếm Gae Seong, phế truất vua Uwang (1374 – 1388), loại bỏ Choe Yeong, người nêu kế sách gây ra cuộc chiến đòi lại đất Liêu Đông. Lịch sử Hàn Quốc gọi đây là sự kiện hồi quân ở WiHwado.

Phái của Yi Seong Gye kết hợp với thế lực tân tiến sĩ đại phu – phái có tư tưởng cấp tiến và tiến hành một cuộc cải cách đất nước. Họ xác định mục tiêu chính của cuộc cải cách này là cải cách ruộng đất, tiến tới kiểm soát chế độ ruộng đất đang bị rối loạn, nguyên nhân chính tạo ra mâu thuẫn xã hội lúc bấy giờ. Họ đã đưa ra quy định mới về chế độ ruộng đất, tịch thu ruộng đất của quý tộc cũ rồi phân chia cho quan lại cấp tiến.

Thế lực võ thần kết hợp với phái cấp tiến đã trở thành thế lực mới và cuối cùng, họ đã lật đổ vương triều Goryeo.

 

Lý Xuân Chung

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

 

Các tài liệu tham khảo chính

  1. Lịch sử Hàn Quốc; Đại học Quốc gia Seoul biên soạn; Nxb Đại học Quốc gia Hà nội.
  2. Hàn Quốc: Lịch sử và văn hoá; Nxb Văn hoá 1996.
  3. Hàn Quốc: Lịch sử và văn hoá;, Nxb Chính trị Quốc gia 1995.
  4. Xã hội Hàn Quốc hiện đại; Đại học Quốc gia Seoul biên soạn; Nxb Đại học Quốc gia Hà nội.
  5. Hàn Quốc (Đất nước- Con ngưòi); Trung tâm thông tin Hải ngoại Hàn Quốc xuất bản; Seoul Hàn Quốc.

 


Scroll To Top