Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TIẾP BIẾN VĂN HÓA Ở VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC: NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG

Đăng ngày:

Hai nền văn hóa tiếp xúc, giao lưu rồi biến đổi được gọi là tiếp biến văn hóa. Khái niệm này đã được định hình từ hơn chục năm nay ở Việt Nam, tuy rằng có một số những định nghĩa khác mang tính cụ thể hơn đã từng xuất hiện.

Hai nền văn hóa tiếp xúc, giao lưu là một hiện tượng bình thường. Một nền văn hóa lớn hoặc nền văn hóa có nhiều đặc sắc lan tỏa sang các nước khác là một hiện tượng tự nhiên trong sự phát triển văn hóa của xã hội loài người. Vấn đề mà chúng tôi nêu ra ở đây là sự tiếp nhận và biến đổi ra sao? Mức độ biến đổi thế nào? Và điểm chính là nêu được những điểm tương đồng về tiếp biến văn hóa của hai nước Việt – Hàn.

I. Tiếp thu văn hóa ngoại lai một cách sáng tạo, biến thành một thành tố của văn hóa dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước

Vào thời cổ trung đại, Ấn Độ và Trung Hoa có nền văn hóa lớn nhất ở khu vực châu Á và sự lan tỏa của nó sang các nước nhỏ xung quanh là tất nhiên. Trước khi Phật giáo Trung Hoa ảnh hưởng mạnh sang Việt Nam thì Phật giáo Ấn Độ đã xuất hiện từ rất sớm. Từ thế kỷ thứ II, vùng bắc bộ Việt Nam đã hình thành trung tâm Phật giáo Luy Lâu (nay là địa phận chùa Dâu Bắc Ninh). Vào buổi sơ khai ấy, Phật giáo Ấn Độ được văn hóa Việt Nam tiếp nhận và đã kết hợp với tín ngưỡng dân gian Việt cổ, đặc biệt là tín ngưỡng thờ mẫu và tín ngưỡng cầu mưa của một xã hội nông nghiệp. Sau đó, Phật giáo được truyền vào Việt Nam và Hàn Quốc theo một kênh khác là Trung Quốc. Lần này, sự tiếp xúc mạnh, dần dần hòa vào dòng chảy của văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc. Phật giáo trở thành tôn giáo chính yếu của mấy triều đại phong kiến. Từ vua đến quan cho tới dân chúng đều tôn sùng đạo Phật. Các sư sãi được kính trọng, được tham dự triều chính. Ở Việt Nam, tiêu biểu là Phật giáo thời Lý, thời Trần. Trong nước có nhiều vị sư tăng nổi tiếng như Vạn Hạnh, Mãn Giác, Viên Thông, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Giác Hải, Pháp Loa, Huyền Quang. Ở Hàn Quốc, Phật giáo du nhập đầu tiên là mùa hè năm 392, năm thứ 2 triều vua Sosurim thời Koguryo. Bấy giờ, vua nước Chin (Tấn) phái một nhà sư tên là Sando đến xứ Hàn, mang theo sách kinh Phật và tượng Phật. Hai năm sau, một nhà sư khác có tên là Ado của nước Chin (Tấn) cũng tới đây truyền đạo. Triều đình Koguryo cho xây  hai  ngôi  chùa  nhân  có  hai  nhà  sư  đến,  đặt  tên  là  Songmunsa  và Ibullansa. Có thể khẳng định đây là hai ngôi chùa đầu tiên, là trung tâm Phật giáo thuở sơ khai ở Hàn Quốc. Tiếp theo là Phật giáo từ Trung Quốc truyền vào Paekche và Shilla. Phật giáo vào Shilla được coi là muộn nhất nhưng lại phát triển nhanh, nhiều nhà sư có học vấn cao, võ thuật giỏi và tích cực hoạt động xã hội. Nhiều vị sư tăng nổi tiếng của Shilla rất được tôn kính như WonChuc (Viên Trắc, 613 – 696) Won Hyo (Nguyên Hiểu, 617 – 686) Hyejo (Tuệ Siêu, 704 – 787). Phật giáo dạy con người rất nhiều điều, trong đó nổi bật là sống từ bi bác ái, làm điều thiện không làm điểu ác, ở hiền gặp lành, cứu nhân độ thế. Như vậy, Phật giáo nhấn mạnh đến tu dưỡng nhân cách con người. Đây là tư tưởng lớn nhất mà văn hóa và con người Việt Nam, Hàn Quốc tiếp nhận từ Phật giáo. Tư tưởng lớn đó hòa chung với tinh thần yêu nước đặc biệt vốn có trong huyết quản con người Việt, Hàn đã tạo ra một tư tưởng Phật giáo yêu nước, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Điều này xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử của hai nước. Ở Việt Nam, Phật giáo thời Lý – Trần là minh chứng rõ nét cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Ở Hàn Quốc, Phật giáo Shilla đã đóng góp công lớn trong sự nghiệp thống nhất. Các Phật tử Shilla đã lập ra Hội Hoa - rang. Tinh thần yêu nước nổi bật ở Hội Hoa-rang. Đó là một tập thể các sư sãi có lòng trung thành tuyệt đối với Shilla. Họ luyện tập võ nghệ, ra đi chiến đấu vì sự thống nhất non sông, coi trọng nghĩa lý hơn cả sinh mạng. Đến khi hòa bình, họ lại lựa chọn niềm vui nơi cửa Thiền. Vào năm Nhâm Thìn (1592), tinh thần Hoa-rang lại thôi thúc nhiều sư sãi và tín đồ Phật giáo đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm ... Vào thời cận hiện đại, điều này càng đậm nét hơn. Ở Hàn Quốc, tiêu biểu là Phong trào Độc lập Mùng 1 tháng 3 năm 1919. Ở Việt Nam, phong trào chống Pháp, chống Mỹ có sự đóng góp tích cực của Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo miền Nam trong những năm chống Mỹ.

Bây giờ xin nói tới Nho giáo. Nho giáo vốn sản sinh ra ở Trung Quốc. Đến thời nhà Hán thì Nho giáo lan tỏa ra các nước láng giềng. Chữ Hán và Nho giáo theo chân đội quân viễn chinh người Hán vào Việt Nam từ năm 111 TCN và vào Hàn Quốc từ năm 108 TCN. Ở Việt Nam, trải theo thời gian 1000 năm Bắc thuộc, sự truyền bá chữ Hán và Nho học không chỉ mang tính giao lưu mà còn là sự áp đặt. Ở Hàn Quốc trong khoảng thời gian hơn 100 năm bị nhà Hán cai trị thì cũng có tình hình tương tự. Nhà Hán ra lệnh dùng chữ Hán trong công văn giấy tờ của cơ quan hành chính do nhà Hán lập ra và bắt quan lại, nhân viên người bản địa phải học chữ Hán. Việt Nam và Hàn Quốc là những quốc gia văn hiến, bởi thế, thuở ban đầu tiếp nhận chữ Hán và Nho học không được mặn mà, thậm chí chống lại, đánh đồng sự xâm lược, nô dịch văn hóa với giao lưu văn hóa. Song, nhận thức đó dần thay đổi và hai dân tộc Việt, Hàn đã biết tiếp thu chữ Hán và Nho học một cách sáng tạo, biến nó trở thành công cụ tăng sức mạnh cho dân tộc.


Trang thứ 1/4 | >> Sau
Scroll To Top