Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HAI CÂU CHUYỆN NGỤ NGÔN CỔ CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

HAI CÂU CHUYỆN NGỤ NGÔN CỔ CỦA HÀN QUỐC

 

Truyện ngụ ngôn Hàn Quốc là một bộ phận của văn học Hàn Quốc được hình thành từ rất sớm trong lịch sử Hàn Quốc và phát triển không ngừng theo dòng chảy của lịch sử văn học Hàn Quốc. Hơn nữa, truyện ngụ ngôn Hàn Quốc còn mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Hàn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Ở bài viết này, chúng tôi chưa có tham vọng đề cập tới những vấn đề lý luận hay nghiên cứu sâu về văn học ngụ ngôn Hàn Quốc mà mới chỉ chuyển ngữ hai câu chuyện ngụ ngôn cổ của Hàn Quốc cùng với những bình luận sơ bộ để mọi người cùng tham khảo, suy ngẫm.

Câu chuyện thứ nhất: Rùa và thỏ

1. Xuất xứ câu chuyện

Mục Kim Dũ Tín liệt truyện trong Tam quốc sử ký[1] có ghi chép một sự kiện trong thời kỳ tam quốc phân tranh: Vào năm thứ 11 đời vua SeonDeok (Thiện Đức) của Shilla (tức năm 643), Pekchê điều quân chuẩn bị tấn công Shilla. Vua Shilla họp quần thần tìm cách chống trả, quan đại thần Kim Chun Chu (Kim Xuân Thu) bày kế sách liên kết với Koguryeo. Koguryeo là một quốc gia hùng mạnh ở phía Bắc bán đảo Hàn, nay nhân chuyện đó muốn lấy một phần đất đai của Shilla. Khi Kim Chun Chu sang sứ Koguryeo, vua Koguryeo mới hứa sẽ liên minh với Shilla chống lại Pekche nhưng bắt ép Kim Chun Chu phải đồng ý cắt một phần lãnh thổ Shilla nhập vào Koguryeo. Kim Chun Chu một mực từ chối điều kiện của Kogureo nên bị tống vào ngục chờ ngày xử trảm. Kim Chun Chu cho người đem ba trăm tấm vải đẹp đến hối lộ viên quan cận thần của vua Koguryeo là Seon Do He (Tiên Đạo Giải) nhằm tìm kế thoát thân. Seon Do He mời Kim Chun Chu cùng uống rượu và nói: “Ông đã từng nghe câu chuyện rùa và thỏ chưa?”. Tiếp sau, ông ta kể câu chuyện đó cho Kim Chun Chu nghe để tự Kim Chun Chu suy ngẫm và tìm kế thoát thân...

2. Nội dung câu chuyện

Xưa kia, ở ngoài biển Đông, cô con gái của Long vương mắc tâm bệnh. Thày thuốc khám bệnh, nói: “Phải kiếm được gan của con thỏ để làm thuốc thì mới chữa khỏi bệnh”. Nhưng khốn nỗi ở biển Đông làm gì có thỏ, biết tính làm sao! Có một con rùa thưa với Long vương: “Thần có thể bắt được thỏ”. Thế rồi rùa bơi vào đất liền, trông thấy con thỏ, bèn nói với thỏ: “Ngoài biển có một hòn đảo, ở đó có dòng suối trong xanh, có tảng đá trắng, cây cối tốt tươi, hoa quả thơm ngon, thời tiết mát mẻ, không rét buốt mà chẳng nắng gắt, không có mãnh thú nào sát hại anh. Nếu như anh tới được đó sinh sống thì không phải lo sợ gì mà lại sung sướng”. Thế rồi rùa cõng thỏ trên lưng bơi ra biển. Bơi được khoảng hai ba hải lý, rùa ngoái cổ nói với thỏ: “Hiện tại, con gái của Long vương mắc bệnh, cần phải có gan thỏ làm thuốc, nên tôi mới không quản ngại vất vả cõng anh tới”. Thỏ nghe nói vậy bèn nói: “À, hóa ra là vậy! Tôi là hậu duệ của thần linh, có thể moi nội tạng của mình ra, rửa sạch rồi lại cho vào. Ban nãy, tôi chợt thấy trong lòng nóng như lửa đốt bèn lấy gan ra rửa cho mát, tạm để ở dưới tảng đá. Tôi nghe lời ngon ngọt của anh nên vội vã đi, bỏ quên gan ở đó. Cớ sao chúng ta không quay lại chỗ đó để lấy gan? Nếu làm như vậy thì anh lấy được thứ anh cần; còn tôi tuy không có gan vẫn có thể sống được, chẳng phải là vẹn cả đôi đường sao!” Rùa tin theo lời thỏ, cõng thỏ bơi trở lại đất liền. Con thỏ nhảy lên bờ, trốn thoát và trong lùm cây nói với rùa: “Anh rùa ngốc nghếch ơi! chẳng lẽ không có gan mà sống được sao?” Con rùa ngẩn ra không nói được lời nào, bèn một mình quay về biển.

3. Ngụ ý của câu chuyện

Kim Chun Chu nghe xong câu chuyện, hiểu được ngụ ý bèn thảo một bức thư gửi lên nhà vua Koguryeo, nhận lời rằng sau khi về nước sẽ cắt một phần đất đai của Shilla cho Koguryeo. Quốc vương Koguryeo tin là thật bèn sai quân đưa tiễn Kim Chun Chu một cách trọng thị. Khi tới cửa khẩu biên giới hai nước, Kim Chun Chu nói với viên quan đưa tiễn rằng: “Ta đến Koguryeo để tìm cách liên kết hai bên, xin quân cứu viện, đại vương của các ông chưa đồng ý mà đã ép buộc chúng tôi cắt một phần đất đai cho các ông. Việc cắt một phần đất đai của một quốc gia cho nước khác không thể chỉ một mình tôi nhận lời là được. Bức thư mà tôi viết gửi cho quốc vương của các ông chẳng qua cốt để cứu tính mạng của tôi mà thôi”.

Mục Kim Dũ Tín truyện trong Tam quốc sử ký còn chép thêm rằng, sau khi Kim Chun Chu thoát nạn trở về Shilla thì nhà vua Koguryeo nổi giận, định đem quân tấn công Shilla, song thấy vua Shilla đã có phòng bị vững chắc nên đành hủy bỏ ý đồ xâm chiếm. Mười một năm sau, Kim Chun Chu lên ngôi quốc vương, là đời vua thứ 29 triều đại Shilla. Sau đó, ông đã thực hiện tốt việc liên minh với nhà Đường Trung Quốc, tiêu diệt Koguryeo và PecChê, thống nhất toàn bộ bán đảo lập nên vương triều Shilla thống nhất.

Như vậy, đọc câu chuyện trên cũng như xem xét cách thoát hiểm của Kim Chun Chu, chúng ta hiểu rõ rằng, ngụ ý thiết thực nhất, cụ thể nhất là bày cách thoát thân cho người gặp nạn. Lẽ dĩ nhiên, một người có tài năng xuất chúng như Kim Chun Chu hiểu thấu đáo ngụ ý của câu chuyện và đã tương kế tựu kế, không những bảo toàn được tính mạng mà còn giữ được thể diện quốc gia, một trọng trách của sứ giả.

Hơn thế, ngụ ý sâu xa của câu chuyện là: để đối phó với kẻ thù lớn có nhiều mưu ma chước quỷ cần phải bình tĩnh suy xét vấn đề, khéo léo tìm ra kế sách nhằm bảo toàn sinh mạng cá nhân cũng như quyền lợi quốc gia. Mặt khác, câu chuyện cũng nói lên một đạo lý rằng, những kẻ có dã tâm thì kết cục phải hứng chịu hậu quả.

Rùa và thỏ là câu chuyện ngụ ngôn cổ nhất của Hàn Quốc được ghi trong thư tịch. Qua đây, các nhà nghiên cứu có thể khám phá ra nhiều điều thú vị thông qua các góc nhìn khác nhau theo các chuyên ngành như văn bản học, văn học, lịch sử, tư tưởng...

CÂU CHUYỆN THỨ HAI

1. Xuất xứ câu chuyện

Sau khi Shilla thống nhất toàn bán đảo vào năm 668, nhà nước Shilla thống nhất được thành lập và vương triều mới này xây dựng một chế độ trung ương tập quyền theo mô hình của nhà Đường Trung Quốc, tiếp nhận một cách chủ động những nét ưu việt của văn hóa Trung Hoa. Theo đó, văn học chữ Hán có những bước phát triển nhanh chóng. Ở trong nước, việc xây dựng trường Quốc học vào năm 681 đã đánh dấu một bước phát triển mới của Hán học Shilla. Các sách kinh điển Nho gia đã được du nhập và trở thành sách giáo khoa trong trường này. Hơn nữa, khá nhiều học sinh đã sang Trung Quốc du học, có khoảng 58 người đỗ qua các kỳ thi của nhà Đường. Những người này sau đó về nước đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa của Shilla nói chung, đặc biệt là văn học chữ Hán nói riêng.

Trong sự phát triển chung của văn học chữ Hán, văn học ngụ ngôn cũng được sáng tác và lưu truyền rộng rãi, trong đó, câu chuyện ngụ ngôn cổ nhất được xác định có tác giả rõ ràng. Đó là câu chuyện Hoa vương giới do Seon Chong (Tiết Thông) sáng tác.[2] Seon Chong được sinh ra từ mối quan hệ giữa Hòa thượng nổi tiếng WonHo và công chúa Yosok, từ nhỏ đã được dạy dỗ cẩn thận, lại vốn có tư chất thông minh nên sớm nổi danh học rộng biết nhiều. Ông không những thông thạo chữ Hán mà còn có thể đọc các sách kinh điển Nho gia bằng phương ngôn, diễn giải các sách kinh điển trên bằng chữ Ydu, sau làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ, dạy ở trường Quốc học, được người Shilla tôn xưng là một trong Shilla thập hiền (mười hiền tài của Shilla). Ông làm quan trải ba triều vua MunMuWang (Văn Vũ Vương: 661 – 668); Hyo So Wang (Hiếu Chiêu Vương: 692 – 702); Seong Tok Wang (Thánh Đức Vương: 702 – 737), được các vua tin dùng và thường xuyên tiếp chuyện. Có một lần, vào đời vua MunMu, nhà vua có những nỗi băn khoăn trong triều đình, cho người vời gọi Soen Chong đến hỏi chuyện. Seon Chong nhân đó đã kể cho vua nghe một câu chuyện về các loài hoa, ngụ ý thức tỉnh nhà vua trong lúc băn khoăn, u mê, cần tỉnh táo nhìn nhận vấn đề và giải quyết sao cho thỏa đáng.

2. Nội dung câu chuyện

Xưa kia, chúa hoa mới tới đây thì được đem trồng vào trong vườn hoa đẹp ngập tràn hương thơm, được che chắn bằng rèm chướng màu xanh. Tới độ mùa xuân tháng 3, hoa nở rất đẹp, rực rỡ vượt hẳn trăm loài hoa khác. Thế là khắp nẻo gần xa, muôn loài hoa cỏ đẹp tươi thảy đều chạy tới xin được yết kiến, lo ngại cho mình không được chúa dùng.

Bỗng có một giai nhân mặt mũi hồng hào, răng trắng như ngọc, trang điểm lộng lẫy mang lễ vật tới trước mặt hoa chúa nói: “Thiếp vượt bãi tuyết trắng, vượt biển xanh phẳng lặng như gương rồi tắm gội mưa xuân, tẩy bụi trần, vui mừng cưỡi gió mát một mình tới đây. Tên thiếp là Tường Vi, được nghe chúa hoa có mỹ đức, mong được làm gối đệm cho chúa, liệu chúa có dung nạp thiếp được chăng?”

Lại có một vị đại trượng phu mặc áo vải gai, thắt đai da, tóc đã bạc trắng, tay chống gậy, chân bước chậm chạp, lưng hơi còng xuống đi tới trước mặt hoa chúa nói: “Thần ở bên con đường lớn ngoài kinh thành, nhìn xuống dưới thấy cánh đồng mênh mông, ngước lên trên thấy núi non trùng điệp. Tên thần là Bạch Đầu Ông, trộm nghĩ: các bề tôi xung quanh chúa tuy có thể cung cấp đủ cao lương mỹ vị, trà thơm mỹ tửu, trong rương trong hộp có đầy những đồ quý giá nhưng chúa cũng cần có thuốc quý để bổ khí, thuốc mạnh để giải độc. Bởi thế có câu: “Tuy có tơ lụa cũng chớ vứt bỏ cói gai”. Bậc quân tử không thể không thiếu cái này cái kia. Không rõ hoa chúa có hiểu ý của thần chăng?”

Có người nói: “Hai người cùng tới, chúa hoa dùng ai bỏ ai?” Chúa hoa nói: “Lời lẽ của đại trượng phu cũng có lý nhưng kiếm người đẹp cũng khó. Biết tính sao đây?”

Bạch Đầu Ông tiến lên phía trước nói: “Thần nghĩ rằng chúa thông minh, hiểu rõ nghĩa lý nên mới tới đây. Nay thấy không phải như vậy. Phàm là bậc quân vương hiếm thấy người không thân cận kẻ xiểm nịnh gian trá, xa cách người chính trực. Bởi thế, Mạnh Kha[3] suốt đời không được trọng dụng, người tài như Phùng Đường[4] đến lúc bạc đầu vẫn chỉ giữ chức quan lang. Từ xưa đã vậy, thần biết làm sao!”

Chúa hoa nói: “Ta sai rồi, ta sai rồi!”

3. Ngụ ý của câu chuyện

Câu chuyện kể trên rõ ràng mang đậm nét Nho giáo, có tính giáo lý, tính chính trị cao. Seon Chong (Tiết Thông) đã nhân cách hóa các loài hoa, dùng câu chuyện có tính chất tỉ dụ này để thức tỉnh nhà vua, khiến nhà vua tự suy ra cách giải thoát nỗi băn khoăn bấy lâu trong việc triều chính. Chúa hoa được ví như quốc vương; hoa hồng xinh tươi (giai nhân trong truyện) được ví như các mỹ nữ và kẻ xu nịnh; hoa bạch đầu được ví như các lão thần trung trực, giàu kinh nghiệm trị nước an dân; muốn cho đất nước phát triển cường thịnh, quốc vương không thể dẫm lên “vết xe đổ” của người xưa, “thân cận kẻ xiểm nịnh gia trá, xa cách người chính trực”. Với lời kết: “Ta sai rồi, ta sai rồi” lại một lần nữa thúc giục quốc vương “nhận thức lại” những suy nghĩ và cách điều hành triều chính trước đó. Chữ Giới trong đầu đề câu chuyện Hoa vương giới có nghĩa là răn dạy đã nêu rõ chủ đề của câu chuyện và mang yếu tố tích cực cao.

Với cách sử dụng văn biền ngẫu nhịp nhàng, dùng điển cố thành ngữ và một số câu chữ trong Kinh Thi, câu chuyện ngụ ngôn Hoa vương giới được đánh giá rất cao về mặt nghệ thuật. Lối viết này đã ảnh hưởng rất sâu sắc tới văn học ngụ ngôn thời kỳ sau, thậm chí tới tận thời Choseon (1392 – 1910), các tác phẩm như Hoa sử, Hoa vương truyện vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu đậm.

LỜI KẾT

1. Truyện ngụ ngôn thời cổ trung đại ở Hàn Quốc chiếm địa vị quan trọng trong văn hóa, văn học thời kỳ đó, phát huy tác dụng tích cực đối với các lĩnh vực trong đời sống chính trị, xã hội, giáo dục và tôn giáo... Hai câu chuyện mà chúng tôi chuyển ngữ ở trên là những câu chuyện điển hình và được giới nghiên cứu truyện ngụ ngôn ở trong và ngoài Hàn Quốc đánh giá cao.

2. Xét về thời gian, sự xuất hiện hai câu chuyện ngụ ngôn cổ nhất của Hàn Quốc (thế kỷ VII) ghi chép trong bộ sử lớn của Hàn Quốc được đánh giá thuộc hàng những câu chuyện ngụ ngôn sớm nhất trong khu vực và thế giới.[5]

3. Xem xét giá trị nội dung và nghệ thuật của hai câu chuyện ta có thể hình dung được sự phát triển của văn hóa Hàn Quốc thời kỳ Shilla đã vượt xa nhiều nước trong khu vực. Đây là một trong những niềm tự hào của người Hàn Quốc.

4. Truyện ngụ ngôn, sau phát triển thành văn học ngụ ngôn là một bộ phận quan trọng của văn học Hàn Quốc, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và tác động tích cực tới xã hội Hàn Quốc từ xưa tới nay. Cũng chính từ tầm quan trọng của văn học ngụ ngôn Hàn Quốc như vậy, Hội Nghiên cứu văn học ngụ ngôn đã được thành lập và đang hoạt động rất tích cực, nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn học ngụ ngôn nói riêng, văn học Hàn Quốc nói chung.

 

Lý Xuân Chung

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kwon Cheok Hwan (Hàn) – Trần Bồ Thanh (Trung Quốc); Hàn Quốc cổ đại ngụ ngôn sử, Nxb Nhạc Lệ, Hồ Nam, Trung Quốc.

2. Ko Mi Sook – Jung Min – Jung Byung Sul; Văn học sử Hàn Quốc; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung biên dịch và chú giải; Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh.

4. Từ điển văn học Hàn Quốc; Nxb Yi Sang, Hàn Quốc

5. Kim Dong Heok, Hàn Quốc văn học sử, Nxb IlSil, Hàn Quốc.

6. Văn học cổ điển Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu văn hóa dân tộc, Trường Đại học Korea.



[1] Tam quốc sử ký do Kim Bu Sik (Kim Phú Thức 1075 – 1151) một sử gia nổi tiếng thời Koryeo soạn. Đây là bộ chính sử quan trọng, ghi chép nhiều vấn đề lịch sử từ thời Tam quốc phân tranh đến hết thời Shilla thống nhất, tức giai đoạn từ thế kỷ I đến thế kỷ X ở bán đảo Hàn.

[2] Câu chuyện thứ nhất Rùa và thỏ là câu chuyện khuyết danh cổ nhất. Còn câu chuyện thứ hai Hoa vương giới là câu chuyện có tác gia cổ nhất.

[3] Mạnh Kha: tức Mạnh Tử (-372 - -289), là nhà tư tưởng, người nối tiếp Khổng Tử tuyên truyền học thuyết Nho gia.

[4] Phùng Đường: danh thần đời Hán, có tài năng, ra làm quan từ thời Hán Văn Đế trị vì, tới đời Hán Vũ Đế tuổi đã cao, lập nhiều công trạng những vẫn chỉ được giữ chức nhỏ.

[5] Kwon Cheok Hwan (Hàn) – Trần Bồ Thanh (Trung Quốc): Hàn Quốc cổ đại ngụ ngôn sử, Nxb Nhạc Lệ, Hồ Nam, Trung Quốc, tr.25.


Scroll To Top