Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SỨ THẦN HÀN QUỐC VIẾT VỀ DANH NHÂN ĐẤT VIỆT LÊ QUÝ ĐÔN

Đăng ngày:

Lê Quý Đôn (1726 - 1784) tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, người xã Diên Hà, huyện Diên Hà, Trấn Sơn Nam, nay là Hưng Hà, Thái Bình. Ông là con trai của Tiến sĩ Lê Phú Thứ, danh thần triều Lê - Trịnh. Từ nhỏ Lê Quý Đôn đã nổi tiếng thông minh, trí nhớ tốt, chăm chỉ học hành. Năm 17 tuổi đi thi đỗ Giải nguyên, 26 tuổi đỗ Hội nguyên rồi vào thi Đình cũng đỗ đầu (khoa thi này không lấy Trạng nguyên nên ông chỉ là Bảng nhãn). Sau khi đỗ đại khoa, ông được bổ giữ các chức như Hàn lâm viện thị thư; Hàn lâm viện thừa chỉ; Bí thư các Học sĩ; Đốc đồng trấn Kinh Bắc; Tư nghiệp Quốc Tử Giám; Thị lang Bộ Công; Quốc sử quán Tổng tài; Thượng thư Bộ Công... Ông được coi là nhà bác học uyên thâm, viết nhiều tác phẩm có giá trị. Dẫu rằng đến nay, một số tác phẩm đã bị thất lạc, song trong số còn giữ được có tới mấy chục tác phẩm, có thể nêu một số sách tiêu biểu như: Đại Việt thông sử, Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm, Bắc sứ thông lục, Toàn Việt thi lục, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục...

Một sự kiện khá đặc biệt trong cuộc đời Lê Quý Đôn là chuyến đi sứ nhà Thanh năm Canh Thìn (1760). Theo lệ thời Lê - Trịnh, như Lê Quý Đôn viết trong Lời Tựa Bắc sứ thông lục thì những người được cử đi sứ thường là những văn quan tài cao học rộng, giỏi ứng đối, độ tuổi trên dưới 50. Tuy tuổi còn trẻ, nhờ có tài năng đặc biệt mà Lê Quý Đôn được tham gia trong chuyến đi này. Chuyến đi sứ kéo dài từ 28 tháng giêng năm Canh Thìn (1760) cho đến tận giữa mùa xuân năm Nhâm Ngọ (1762). Trần Huy Mật được cử làm Chánh sứ, Trịnh Xuân Thụ và Lê Quý Đôn được làm Phó sứ đến Bắc Kinh vào đầu tháng chạp, ở lại đây hơn hai tháng và đã gặp sứ bộ

 

Triều Tiên.[i]

 

Tư liệu về cuộc gặp gỡ này và thơ văn xướng hoạ giữa Lê Quý Đôn và sứ thần Triều Tiên được lưu lại khá nhiều trong các tác phẩm của Lê Quý Đôn như Quế Đường thi tập, Bắc sứ thông lục, Quần thư khảo biện Kiến văn tiểu lục.

Theo Kiến văn tiểu lục, vào hôm trừ tịch, sứ bộ nước ta đã gặp Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến, Lý Huy Trung ở Hồng Lô quán, trải chiếu mời nhau ngồi, dùng giấy bút để nói chuyện, tình cảm gắn bó. Từ đó, hai bên thư từ qua lại, trao đổi thơ văn và biếu quà. Trần Huy Mật, Trịnh Xuân Thụ, Lê Quý Đôn đều có thơ gửi tặng sứ thần Triều Tiên. Kiến văn tiểu lục đã chép lại lời tiểu dẫn của các bài thơ phúc đáp của sứ thần Triều Tiên gửi cho Chánh Phó sứ nước ta. Tiếc rằng Lê Quý Đôn không chép những vần thơ xướng hoạ giữa Trần Huy Mật, Trịnh Xuân Thụ với Hồng Khải Hy, Lý Huy Trung.

Bởi luật lệ nhà Thanh không cho sứ thần các nước đến chỗ ở riêng của nhau nên hai đoàn chỉ có thể gặp nhau vào những ngày triều hội, còn thì cho con cháu hoặc người hầu qua lại trao đổi thư từ, thơ văn và biếu quà. Lê Quý Đôn đã đưa ra hai bộ sách Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục mời họ xem và đề Tựa. Hồng Khải Hy đã đọc và viết lời Tựa kèm theo một bức thư ngắn, Lý Huy Trung cũng đã đọc và gửi một bức thư ngắn viết đôi dòng về cuốn Quần thư khảo biện.

Chúng ta hãy cùng xem Hồng KhảI Hy nhận xét về Lê Quý Đôn và bộ sách:

"Ông Lê Quế Đường, học sĩ nước An Nam, vâng mệnh đi sứ Trung Quốc. Tôi được gặp ông ở quán Hồng Lô. Ông diện mạo sáng sủa, thông thạo lễ nghĩa, vừa gặp đã biết ngay là bậc anh tài của một nước. Một hôm, ông đưa cho tôi xem sách Quần thư khảo biện do ông soạn. Bộ sách đã khảo cứu và bàn luận về sử sách các đời giống như sách Chí lâm của Pha Ông,[ii] sách Hướng ngôn của Mông Tẩu.[iii] Trên dưới mấy ngàn năm, cái này được cái kia mất, ai giỏi ai kém, như thế này thì yên, như thế kia thì nguy, không chỗ nào là ông không xem xét suy tính đến. Chỗ thì lật ngược lại những án cũ, chỗ thì vạch ra những lời bàn sai lầm đã qua nhiều đời. Kiến thức tinh tế, lý giải diệu kỳ nổi bật trên các hàng chữ. Đoạn bình luận về các học thuyết của họ Chu,[iv] họ Lục [v] mà ông nêu ra ở cuối sách cho thấy học thuật của ông thuần chính, lời văn của ông nhẹ nhàng thuận lẽ như gió lướt trên mặt nước, không chút gò bó trói buộc gì cả. Thực chỉ nếm một miếng cũng đủ thấy vị ngọn của cả nồi thức ăn rồi."

Lại nữa: "Ông là người có tâm trí sáng suốt, phân định rạch ròi, biết được những cái sâu xa từ đời xưa, chẳng trách ông tìm thấy cái lý đích thực, dùng lời không sai. Không cầu tinh mà tự nhiên tinh".

Trong bức thư ngắn, Hồng Khải Hy còn viết thêm:

"Thật là trí tuệ tuyệt vời, vượt hẳn ngàn xưa."

Lý Huy Trung cũng đọc sách này, trong lá thư ngắn gửi cho Lê Quý Đôn cũng có đôi lời nhận xét:

"May mắn được xem bộ sách Quần thư khảo biện, tôi kính cẩn đọc hết từ đầu đến cuối. Đúng là tất thảy đều là lời hay lý thuận được viết ra từ những suy nghĩ và nhìn nhận sáng suốt, (đáng) làm gương soi, làm mực thước cho đại thể. Thật không kém gì lời bàn của các danh nho đất Mân đất Lạc.[vi] Nước Nam không có bậc quân tử thì sao có người tài giỏi như thế? Đáng khâm phục thay!"

Lê Quý Đôn là nhà bác học bậc nhất nước Nam ta ở thế kỷ XVIII. Nếu nhìn trên bình diện lịch sử văn hoá Việt Nam suốt thời kỳ phong kiến, Lê Quý Đôn quả là một nhân tài đặc biệt. Thực hiếm thấy ở một con người lại thông hiểu nhiều lĩnh vực tri thức khoa học như Lê Quý Đôn: từ chính trị kinh tế, lịch sử, văn thơ đến Nho học, Phật học, Lão học, địa lý học, nông nghiệp, dân tộc học, thư tịch học, ngôn ngữ học, khảo chứng... lĩnh vực nào ông cũng tỏ ra uyên bác khiến cho người ta phải khâm phục.

Ở đây, chúng tôi tập hợp những lời nhận xét, đánh giá khách quan của sứ thần nước ngoài về Lê Quý Đôn nhằm giới thiệu tư liệu các sứ thần Hàn Quốc viết về Lê Quý Đôn cho các đồng nghiệp nghiên cứu Hàn Quốc học nói riêng, độc giả nói chung và cũng một lần nữa tôn vinh tài năng xuất chúng của danh nhân đất Việt họ Lê. Hồng Khải Hy, Lý Huy Trung, Triệu Vinh Tiến là những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Hàn Quốc. Họ đều là những người thông tỏ kinh văn sử tập của Trung Hoa, lời nhận xét, so sánh, đánh giá văn chương, học thuật của Lê Quý Đôn không kém gì Chu Hy và các danh nho đời Tống Trung Quốc như Trình Di, Trình Hiệu của họ thực sự là xác đáng!

 



[i] Triều Tiên: chỉ triều đại phong kiến Joseon(1392-1910) ở Hàn Quốc.

[ii] Pha Ông: tức Tô Đông Pha đời Tống. Bộ sách Đông Pha chí lâm (5 quyển) là tuỳ bút của ông do người đời sau tập hợp lại.

[iii] Mông Tẩu: tức Trang Tử. Trang Tử ở đất Mông nên gọi là Mông Tẩu (ông lão đất Mông).

[iv] Họ Chu: chỉ Chu Hy, nhà nho nổi tiếng đời Tống.

[v] Họ Lục: chỉ Lục Cửu Uyên, nhà nho nổi tiếng đời Tống.

[vi] Danh nho đất Mân đất Lạc: chỉ Chu Hy và hai anh em Trình Di, Trình Hiệu, đều là nhà nho nổi tiếng đời Tống. Chu Hy, người đất Mân (tức Phúc Kiến); Trình Di, Trình Hiệu, người đất Lạc (tức Lạc Dương).

 

Lý Xuân Chung

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


Scroll To Top