Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU TRONG CHIẾN LƯỢC GIO CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Không kể chiến lược phát triển đã chọn, hầu hết các nước chỉ có thể phát triển nhanh đến một trình độ nào đó – có lẽ đến mức tổng sản phẩm quốc dân (GNP) bình quân đầu người là 3.500 đô la Mỹ (theo giá năm 1993) – nhưng những nước này không thể duy trì sự phát triển nhanh sau khi đạt mức đó.

Có ba khía cạnh trong chiến lược tăng trưởng của Hàn Quốc.

* Thứ nhất, đây là chiến lược theo hướng tăng trưởng chứ không phải theo hướng công bằng xã hội. Do phải cạnh tranh thành công với CHDCND Triều Tiên trong những năm 60 và để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của thất nghiệp và nghèo đói, Hàn Quốc đã thông qua chiến lược theo hướng tăng trưởng mạnh.

Tăng trưởng kinh tế cao dường như là một phương thuốc điều trị tốt nhất cho những căn bệnh kinh tế - xã hội của sự kém phát triển. Vấn đề tương tự như vậy cũng có thể được nói đến đối với trường hợp các nước phát triển. Khi sự tăng trưởng kinh tế giảm, thì ngay cả những nước phát triển như Anh và Mỹ đều phải đương đầu với nhiều vấn đề kinh tế xã hội nghiêm trọng. Thực tế cái gọi là “căn bệnh của nước phát triển” liên quan chặt chẽ với sự đình trệ kinh tế hay tăng trưởng chậm. Một trong những đóng góp quan trọng nhất của việc tăng trưởng kinh tế nhanh là những tác động tích cực đến việc đổi mới quan điểm, cách suy nghĩ và hành vi của người dân. Tăng trưởng kinh tế nhanh buộc những người cổ hủ và không thích sự thay đổi cũng phải đổi mới quan điểm của mình và đây có thể là biện pháp tốt nhất để loại bỏ các rào cản hành vi đối với tăng trưởng và tâm lý tiêu cực của sự kém phát triển. Như nhà kinh tế học người Anh Roy Harrod(1) đã nhấn mạnh “Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu rất quan trọng. Nó là mục đích của chính sách kinh tế nói chung”.

* Thứ hai, chiến lược của Hàn Quốc là chiến lược theo hướng công nghiệp chứ không phải theo hướng dịch vụ hay theo nguồn tài nguyên. Như đã đề cập, do thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên, Hàn Quốc không có khả năng thực hiện chiến lược phát triển theo hướng khai thác nguồn tài nguyên. Cho dù Hàn Quốc có phát triển ngành thứ nhất (bao gồm các ngành khai khoáng, nông – lâm – ngư nghiệp) tốt thế nào đi nữa thì người dân Hàn Quốc cũng không thể tiếp tục sống bằng những cái họ sản xuất ra trên mảnh đất của mình. Hơn nữa, do Hàn Quốc không phải là một đất nước với diện tích chỉ nhỏ bằng một thành phố chật chội như Xing-ga-po và Hồng Kông, nên Hàn Quốc không ở vào tình thế phải coi trọng chiến lược phát triển theo hướng dịch vụ như các quốc gia này đã làm trong giai đoạn phát triển ban đầu.

Chiến lược theo hướng công nghiệp có nhiều lợi thế hơn chiến lược theo hướng khai thác tài nguyên. Chẳng hạn, những nước theo đuổi chiến lược theo hướng khai thác tài nguyên đều rất dễ làm tổn thương tới các chu kỳ kinh tế khốc liệt do những thay đổi bất thường về giá cả của hàng hóa nguyên khai. Hoặc do nguồn tài nguyên bị cạn kiệt hoặc do đương đầu với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất có hiệu quả hay từ những nguyên liệu tổng hợp.

Nhà kinh tế học - kỹ sư Mihail Manoliescu đã chứng minh, “lao động trong ngành công nghiệp tạo ra nhiều giá trị hơn trong ngành nông nghiệp”(1). Thật đáng ngạc nhiên, khi rất ít người ở các nước phát triển thực sự hiểu nguyên tắc phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Chiến lược theo hướng công nghiệp được ưa thích bởi nó phù hợp với nhu cầu của một nước đang phát triển để chuyển đổi cơ cấu sản xuất của mình từ những sản phẩm đơn giản hướng tới những sản phẩm cần vốn, công nghệ và lao động làng nghề nhiều hơn. Sau một giai đoạn phát triển nhất định, ngay cả các quốc gia giàu nguồn tài nguyên đang theo đuổi chiến lược phát triển theo hướng ngành sản xuất thứ nhất đều cần phải chuyển sang chiến lược theo hướng công nghiệp hay dịch vụ. Sự định hướng lại này bắt đầu càng sớm càng tốt, vì có sự hạn chế về tiềm năng đối với tăng trưởng bằng một chiến lược duy nhất hướng vào khai thác tài nguyên.

* Thứ ba, khuynh hướng của Hàn Quốc là hướng ngoại chứ không phải là hướng nội hay trung lập. Nhu cầu nhập khẩu thực phẩm và các nguyên liệu khác buộc Hàn Quốc phải kiếm được ngoại hối cần thiết thông qua việc xuất khẩu hàng chế tạo.Ohkawa và Rosovsky chỉ ra một thực tế, là các nhà lãnh đạo Nhật Bản trước đây đã cho rằng, thương mại quốc tế là “điều kiện cần và đủ để dẫn đến sự phát triển kinh tế”(2).

Tất cả những nước đi theo chiến lược kinh tế đóng cửa, hướng nội đều đã trải qua thời kỳ tăng trưởng chậm và những vấn đề kèm theo. Peter Drucker đã xoáy vào một quan niệm sai lầm cơ bản nhưng phổ biến về vấn đề này: theo Drucker, đó là:

“Học thuyết kinh tế thông thường – cho dù là kinh tế học theo trường phái Keynes, Kinh tế học trọng tiền hay Kinh tế học trọng cung – đều coi nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là các nước phát triển lớn, là nền kinh tế tự quyết và là đơn vị của cả phân tích kinh tế lẫn chính sách kinh tế. Còn nền kinh tế quốc tế có thể chịu đựng được và có mặt hạn chế, nhưng không tập trung nếu nói riêng về việc quyết định. Định lý kinh tế vĩ mô này của nhà kinh tế học hiện đại Drucker ngày càng không chắc chắn. Hai đệ tử của học thuyết này, Anh và Mỹ, đã làm rất kém trong 30 năm qua và có sự bất ổn định nhất về kinh tế”(3).

Drucker nhận thấy rằng các nhà lập kế hoạch ở Tây Đức và Nhật Bản không bao giờ chấp nhận giả thiết này và đưa ra ưu tiên hàng đầu trong các chính sách kinh tế của họ là tính cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới. Kết quả là, trong những năm gần đây hai nước Tây Đức và Nhật Bản đã thực hiện tốt hơn Mỹ và Anh rất nhiều. Có thể nói như vậy về Đài Loan, Hồng Kông và Xing-ga-po. Những nhà lập chính sách ở các nền kinh tế này đã sớm nhận thức trong quá trình phát triển rằng nền kinh tế của họ là bộ phận của hệ thống kinh tế toàn cầu và hoạch định chính sách của mình sao ch phù hợp với xu thế đó.

Các chính sách kinh tế của Hàn Quốc, đặc biệt là các chính sách tặng trưởng công nghiệp cũng được xây dựng trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu và nhằm vào việc tăng cường vị thế cạnh tranh quốc tế của Hàn Quốc. Do vậy, các nhà lập chính sách của Hàn Quốc ngày càng phải có cách nhìn bao trùm khi bản thân nền kinh tế ngày càng có tính toàn cầu.

Khi thương mại của Hàn Quốc phát triển, sự mất cân đối trong tăng trưởng giữa các khu vực thương mại và phi thương mại cũng lan rộng. Kết quả là, chiến lược này dẫn tới sự chỉ trích gay gắt về chiến lược tăng trưởng của Hàn Quốc trong giới các tri thức Hàn Quốc, kể cả một số nhà kinh tế học. Bất chấp sự chỉ trích có định hướng nhưng sai lầm của các nhà dự báo kinh tế và những người khác, song Hàn Quốc vẫn duy trì chiến lược tăng trưởng theo hướng thương mại của mình. Thật may mắn, ngày nay đã có nhiều người dân Hàn Quốc hiểu rằng chiến lược phát triển của Hàn Quốc phù hợp với đặc điểm của đất nước họ, kể cả về tài nguyên, quy mô dân số.

3. Triết lý đằng sau chiến lược tăng trưởng theo hướng xuất khẩu của Hàn Quốc.

Trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Sygnman Rhee (1948-1960), Hàn Quốc không có một chiến lược tăng trưởng rõ ràng nào hơn ngoài việc đẩy mạnh toàn diện sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu. Mối quan tâm chính của Tổng thống Rhee là chính trị và những chính sách kinh tế của Chính phủ ông đều tập trung vào thay thế nhập khẩu dựa trên tỷ giá hối đoái mà đồng nội tệ được định giá cao và dựa nhiều vào sự trợ giúp của nước ngoài. Việc tiếp cận với ngoại hối có sự quản lý của Chính phủ, tín dụng ngân hàng và sự trợ giúp nước ngoài (kể cả việc tham ô và tính thiên vị ngày càng tăng). Một phần, thành công trong kinh doanh đòi hỏi phải có sự bảo hộ sản xuất trong nước của Chính phủ, tín dụng ngân hàng và sự trợ giúp nước ngoài (kể cả việc tham ô và tính thiên vị ngày càng tăng). Một phần, thành công trong kinh doanh đòi hỏi phải có được sự bảo hộ sản xuất trong nước của Chính phủ bằng việc duy trì những hạn ngạch phù hợp về hàng nhập khẩu. Những doanh nhân trở nên giàu có trong hoàn cảnh này đều bị nghi ngờ có liên quan tới tham nhũng. Khi Tổng thống Sygnman Rhee bị cái gọi là “Cách mạng sinh viên 19 tháng 4” lật độ vào năm 1960, công chúng đã yêu cầu số của cải đó phải được sung công và những kẻ bất lương đó phải bị trừng trị.

Khi Tướng Park Chung Hee lên nắm quyền thông qua cuộc đảo chính quân sự ngày 16 tháng 5 năm 1961. Ông đã giải quyết những vấn đề cùng với các nhà kinh doanh theo ý Ông. Tướng Park đã sớm đạt được sự thỏa thuận sơ bộ với giới kinh doanh: Thực chất của sự hòa giải này là Chính phủ sẽ miễn cho họ khỏi sự trừng phạt của pháp luật và để đền đáp lại, các nhà kinh doanh có nghĩa vụ cống hiến hết sức mình cho “việc xây dựng đất nước thông qua công nghiệp hóa”. Đây là cách để Tổng thống Park tranh thủ sự ủng hộ của các nhà kinh doanh và là cớ để ông có thể kiểm soát các nhà kinh doanh trong giai đoạn mở rộng nhanh ngành thương mại và phát triển công nghiệp từ 1961 đến 1979.

Khi Tổng thống Park lên nắm quyền, nền kinh tế Hàn Quốc đang ở trong tình cảnh hết sức khó khăn. Hầu hết người dân Hàn Quốc đều lâm vào cảnh nghèo khổ, tổng sản phẩm quốc dân bình quân đầu người năm 1961 chưa đến 100 đô la Mỹ. Hàn Quốc kém CHDCND Triều Tiên cả về thu nhập bình quân đầu người lẫn năng lực sản xuất công nghiệp.

Hàn Quốc cũng kém CHDCND Triều Tiên cả về sức mạnh quân sự cũng như trình độ công nghệ và nền công nghiệp quốc phòng. Đã có nhiều nhà tri thức vào thời gian đó chỉ ra rằng Hàn Quốc đang áp dụng một cách sai lầm hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, hệ thống mà họ cho là kém ưu việt hơn hệ thống kinh tế - xã hội chủ nghĩa CHDCND Triều Tiên. Điều này làm tăng thêm sự bất ổn định trong xã hội.

Tổng thống Park có xu hướng coi các chính trị gia không hơn gì những người sống phóng túng nên trước hết đã đàn áp thẳng tay các hoạt động chính trị. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề kinh tế lại được khuyến khích. Triết lý của Tổng thống có thể tìm thấy trong lời trích dẫn sau: “Đối với những người nghèo bên bờ vực của sự chết đói như người dân Hàn Quốc, thì kinh tế học được đặt ưu tiên cao hơn chính trị trong cuộc sống hàng ngày của họ và việc thực thi dân chủ là điều vô nghĩa”(1).

Điều này đã trở thành một triết lý cơ bản bắt nguồn từ chính sách thương mại và công nghiệp của Hàn Quốc ở những năm đầu thập kỷ 60, triết lý này cho rằng nền kinh tế tăng trưởng càng cao, càng nhanh và càng nhiều thì càng tốt. Những nỗ lực quốc gia ra sức hướng ra khỏi chính trị và tập trung vào tăng trưởng kinh tế. Suchul ipguk (“xây dựng đất nước thông qua xuất khẩu”) là câu châm ngôn ưa thích của tổng thống Park. “Trước hết là xuất khẩu” là một thành ngữ ưa thích khác của Ông, và đã được các nhà kinh doanh Hàn Quốc chấp nhận. Nhóm từ này đã xuất hiện một cách chính thức trong văn kiện Kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ hai (1967 – 1971) và củng cố thêm triết lý cơ bản đằng sau những chính sách thương mại và công nghiệp của Hàn Quốc trong thời Park cầm quyền.

Nhu cầu cấp bách đuổi kịp và vượt CHDCND Triều Tiên, thoát khỏi nghèo đói đòi hỏi Hàn Quốc phải phát triển ở mức cao nhất hay “phát triển bằng mọi giá” và trở thành một lý do cơ bản để “phát triển bắt buộc” hàng xuất khẩu và đầu tư trong suốt thời kỳ của Tổng thống Park. Những mục tiêu xuất khẩu thỏa thuận giữa Chính phủ và các Công ty tư nhân đều được các nhà doanh nghiệp thực hiện như một mệnh lệnh bắt buộc. Những Công ty không đạt được chỉ tiêu xuất khẩu mà không có lý do chính đáng thì sẽ có nguy cơ bị Chính phủ phạt hành chính rất nặng. Trong những năm 60, chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu đã được Chính phủ ra quyết định chỉ đạo cho các Công ty Hàn Quốc.

Do tiêu chuẩn đánh giá sự thành công của các Công ty là khả năng xuất khẩu của họ, nên các Công ty có chiều hướng gia tăng khả năng sản xuất và xuất khẩu càng nhiều càng tốt. Sự tăng sản lượng và hàng xuất khẩu bắt buộc này đã dẫn đến tỷ số nợ trên vốn thực có cao và gây ra méo mó trong việc ra quyết định nội bộ của các Công ty. Các Công ty lớn có khả năng hơn các Công ty nhỏ trong việc mở rộng năng lực xuất khẩu và Chính phủ cũng ưu đãi các Công ty lớn hơn là các Công ty nhỏ trong lĩnh vực xuất khẩu, điều này có nghĩa là việc quản lý hành chính sẽ đơn giản hơn. Một lý do nữa giải thích vì sao các Công ty lớn có khả năng tốt hơn các Công ty nhỏ trong việc mở rộng năng lực xuất khẩu là vì các ngân hàng Chính phủ ưa thích các Công ty lớn hơn các Công ty nhỏ trong việc phân phối tín dụng ngân hàng. Một lý do khác có thể là do các Công ty lớn có khả năng xử lý các vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều ban ngành của Chính phủ phải khéo léo hơn các Công ty nhỏ. Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) được xem như là người phát ngôn của các nhóm kinh doanh, đã phàn nàn rằng cho đến 1985 người ta vẫn cần có đến 312 loại giấy tờ để thành lập một Công ty. Có thể các Công ty nhỏ không đủ khả năng để cạnh tranh với các Công ty lớn trong việc giải quyết giấy tờ phức tạp như vậy.

Bong – Shik Shin thuộc FKI phát biểu rằng, vào tháng 12 năm 1987, đã có 55 luật liên quan đến các ngành công nghiệp chế tạo và số điều khoản hỗ trợ cho những luật này là 310(1). Theo Bong-Shik Shin, số lượng giấy phép và các quy định mà Chính phủ Hàn Quốc trao cho người dân Hàn Quốc là 3.618 vào tháng 12 năm 1977.



Thực hiện: Mai Liên

Biên tập: Nhóm website

(1) Được trích dẫn của Nicholas Georgescu – Roegan, 1988.



(1) Xem Georgescu – Roegan, chú thích 8 ở trên, xem trang 303.



(2) Kazushi Ohkawa và Henry Rosovsky, 1973, xem trang 173.



(3) Peter Drucker, 1986



(1) Park Chung Hee; Đất nước, Cuộc cách mạng và Tôi (ở Hàn Quốc), Seoul, Tập đoàn Hollym, 1963, xem các trang 82, 259-260



(1) Shin, Bong – Shik, 1988.

Scroll To Top