Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VÀI NÉT VỀ TRIẾT LÝ NHO GIÁO MỚI Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Rất nhiều học giả cho rằng sự tiến bộ công nghiệp của Hàn Quốc và các quốc gia Đông Á khác đạt được là do triết lý khổng giáo mang lại. Những người theo quan điểm này có thể kể đến các học giả như Peter Beger, Herman Kahn, Roderick Macfarquhar và một số người khác. Thậm chí Macfarquhar còn cho rằng có “một thời kỳ mới”, “thời kỳ hậu khổng giáo thách thức phương Tây” nhằm đề cao tầm quan trọng của văn hoá Đông Á tiềm năng công nghiệp(1). Các tác giả đã chỉ ra rằng, triết lý khổng giáo có một số đặc tính sau: Nhấn mạnh giáo dục; Sự lãnh đạo của nhà nước và một cơ cấu nhất thể; Cách quản lý Á Đông; Tư tưởng của nhà kinh doanh Á Đông hay quy tắc ứng xử trong công việc(2).

Tu Wei-ming, giáo sư lịch sử và triết học Trung Quốc của trường Đại học Harvard đã nêu trong cuốn sách “Triết lý khổng giáo ngày nay” của ông rằng: Dẫu sao chăng nữa thì triết lý khổng giáo truyền thống ở các nước Á Đông cũng đã có sự kết hợp và bổ sung của đạo đức Thiên chúa giáo phương Tây hình thành nên cái mà Tu gọi là “đạo đức khổng giáo mới – Tân đạo khổng”(1).

Rất nhiều chuyên gia về sự khác biệt giữa các nền văn hoá Đông Á và phương Tây đã so sánh đối chiếu về khía cạnh ý thức nghĩa vụ truyền thống trước đây đã ràng buộc con người lại với nhau. Nathan Glazer của trường Đại học Harvard đã giải thích sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây như sau:

Sự khác biệt được thể hiện trong tập hợp những nghĩa vụ, đã ràng buộc các cá nhân với nhau và tạo ra thể chế gia đình chặt chẽ. Về cơ bản, do sự mở rộng của trường đại học và nơi làm việc mà các giá trị cá nhân và nhu cầu của một tổ chức gắn kết với nhau (dưới một dạng thức của sự liên kết hữu cơ và với việc giảm nhẹ tình trạng căng thẳng do sức ép tâm lý của cá nhân)(2).

Hai chuyên gia nổi tiếng nhất về xã hội Nhật Bản là Ruth Benedict - người Mỹ và Chie Nakane - người Nhật Bản cũng đồng tình với quan điểm đó(3). Sự đánh giá có lẽ là một sự mô tả thích hợp sự khác biệt cơ bản giữa Hàn Quốc và phương Tây.

Sự khác biệt giữa nền văn hoá Đông Á và phương Tây có thể được hiểu thấu đáo hơn nếu triết lý Nho giáo trong sự so sánh với triết lý của Thanh giáo cơ sở hình thành nên triết lý kinh tế của các nhà tư bản (hay chủ nghĩa cá nhân) phương Tây.

Tu Wei-ming chứng minh “triết lý Nho giáo mới được biết tới như một sự pha trộn giữa giá trị gia đình hay theo hướng tập thể của phương Đông với tính thực dụng, những giá trị theo định hướng vì mục đích kinh tế của phương Tây” ([1]). Tu còn nhấn mạnh rằng ở các nước, vùng lãnh thổ Đông Á, nơi mà triết lý Nho giáo đã thâm nhập vào thì nền kinh tế trở nên thịnh vượng .Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan là những điển hình.

Theo quan điểm cá nhân của tôi triết lý Khổng giáo mới, đối với trường hợp Hàn Quốc có các đặc tính sau:

-Nó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tự hoàn thiện (giáo dục, đào tạo, kỷ luật, nghiên cứu và phát triển)

- Nó rất coi trọng cuộc sống gia đình và tính hiếu thảo (Heon)

- Nó khích lệ lòng yêu nước và đòi hỏi lòng trung thành đối với tổ quốc (Chung)

- Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của tính hoà thuận trong quan hệ giữa các cá nhân (thân mật) và tinh thần cộng đồng giữa họ hàng, người có địa vị và bạn bè.

- Nó du nhập những giá trị phương Tây nhấn mạnh chủ nghĩa cá nhân và khuyến khích cả những thành công về vật chất, chủ nghĩa thực dụng.

Đối lập với đạo đức Khổng giáo mới, hệ thống giá trị truyền thống của Hàn Quốc thiếu triết lý khích lệ cho sự thịnh vượng. Điều này có thể nhận thấy trong hàng loạt các giá trị truyền thống của người Hàn Quốc. Ví dụ, quan niệm Nho giáo xưa kia đặt việc buôn bán và sản xuất ở vị trí cuối cùng trong hệ thống thứ bậc các ngành nghề trong xã hội. Trong xã hội Hàn Quốc truyền thống, trật tự xã hội lý tưởng, như được đề cập trên đây theo thứ tự là: Trí thức hoặc quan lại được xếp ở vị trí thứ nhất, sau đó là nông dân (với tư cách là thành phần chính trong xã hội nông nghiệp), thợ thủ công (với tư cách là những người sản xuất ra sản phẩm tiêu dùng có ích) và cuối cùng là các nhà buôn (với tư cách là những người tạo ra lợi nhuận phi sản xuất ). Từ đó có thể nói rằng, hệ thống giá trị ngăn cản sự phát triển đó nhất định phải được thay thế bằng những giá trị mới, theo đó đề cao giới kinh doanh và các hoạt động kinh doanh.

Mặc dù vậy, các quan niệm xưa có gốc rễ rất sâu và cho tới tận thời gian gần đây, phần lớn các sinh viên Hàn Quốc xuất sắc vẫn ao ước trở thành các quan chức chính phủ,các luật sư hoặc giáo sư. Nghề nhà giáo vẫn được xem như là một nghề được kính trọng nhất. Nhiều người Hàn Quốc vẫn có chiều hướng coi thường thương gia và sự say mê trong hoạt động kinh doanh của họ. Bởi lẽ các giá trị truyền thống vẫn còn được duy trì và phát triển cân đối giữa các ngành nghề là một điều khó có thể thực hiện được.



Thực hiện: Mai Phương

Biên tập: nhóm website

(1) Roderick Macfarquhar, 1980.



(2) Sự tranh luận này được dựa trên cơ sở của Tu Wei-ming, 1984, xem trang 21.



Scroll To Top