Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHUYỂN ĐỔI TỪ NỀN KINH TẾ TRUYỀN THỐNG SANG HIỆN ĐẠI

Đăng ngày:

- Thứ nhất: trước khi mở cửa đất nước với phương Tây vào năm 1876, Triều Tiên là một nước có nền kinh tế truyền thống, chủ yếu là nông nghiệp. Sản xuất, thương mại và cơ sở hạ tầng kinh tế của Triều Tiên tương đối kém phát triển so với Trung Quốc hay Nhật Bản. Trong thời kỳ trước năm 1876, sự phát triển kinh tế Triều Tiên chủ yếu dựa vào những thay đổi trong nông nghiệp. Việc phát minh ra dụng cụ đo lượng mưa, việc cải tiến dần dần kỹ thuật nông nghiệp truyền thống và phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp đã làm cho sản lượng nông nghiệp tăng đáng kể trong thời kỳ này. Tuy nhiên, chỉ tăng nhanh hơn một chút so với sự gia tăng dân số nên sản lượng bình quân đầu người cũng chỉ tăng ở mức khiêm tốn.

- Thứ hai: trong khoảng thời gian từ khi mở cửa đất nước vào năm 1876 cho đến lúc chấp thuận sự thống trị thuộc địa của Nhật Bản vào năm 1910, Triều Tiên đã trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh và nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người.

- Thứ ba: trong thời kỳ thuộc địa (1910-1945), do kinh tế của Triều Tiên thuộc địa phụ thuộc vào nền kinh tế Nhật Bản nên xét trên quy mô lớn, xu hướng phát triển dài hạn của nó gần như tương tự với nền kinh tế Nhật Bản giàu mạnh. Ohkawa và Rosovky đã chỉ ra rằng, sau năm 1900 kinh tế Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất trên thế giới và đạt tới đỉnh điểm trước chiến tranh về GNP vào năm 1939. Triều Tiên cũng đã trải qua khuynh hướng phát triển tương tự nhưng với một sự khác biệt quan trọng là GDP tăng nhanh hơn GNP. Sản xuất trong nước ở bán đảo Hàn tăng đáng kể nhưng thu nhập dành cho người Triều Tiên thì lại thấp và phần lớn lợi nhuận thuộc về người Nhật Bản.

Kinh tế Triều Tiên trong thời kỳ này được tạo dựng để phục vụ cho Nhật Bản và được đặc trưng bởi kiểu thuộc địa kép. Ohkawa và Rosovky đã mô tả nền kinh tế Nhật Bản thời kỳ này được đặc trưng bởi “cơ cấu phân biệt” kép, theo đó sự chênh lệch về năng suất bình quân đầu người lao động ở khu vực truyền thống (nông nghiệp) và khu vực hiện đại (công nghiệp) ngày càng lớn. Tính hai mặt của nền kinh tế Triều Tiên có phần khác và đang gây nhiều tranh cãi. Các khu vực công nghiệp hiện đại của nền kinh tế Triều Tiên thuộc địa chủ yếu do người Nhật Bản làm chủ và quản lý, trong khu vực nông nghiệp truyền thống thì do cả người Nhật Bản và người Triều Tiên cùng làm chủ, nhưng rốt cuộc chủ yếu là mang lại lợi nhuận cho Nhật Bản. Vào thời kỳ này, sự chênh lệch về năng suất bình quân đầu người lao động ở khu vực truyền thống và khu vực hiện đại của nền kinh tế Triều Tiên rất lớn. Hơn nữa, do phần lớn sản lượng nông nghiệp của Triều Tiên được vận chuyển đến Nhật Bản nên mức tiêu dùng bình quân đầu người thực tế của Triều Tiên thực sự suy giảm trong suốt thập kỷ cuối của thời kỳ thuộc địa.

- Thứ tư: giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1953 là một trong những thời kỳ phát triển gián đoạn và rối loạn xã hội. Sự phát triển kinh tế sau giải phóng bị cản trở mạnh mẽ bởi việc phân chia đất nước thành hai miền Nam và Bắc vào năm 1945, rối loạn chính trị trong thời gian Mỹ chiếm đóng (1945-1948) và chiến tranh trên bán đảo này (1950-1953). Anne Krueger đã mô tả thời kỳ này là “Mười hai năm của những cú sốc chia cắt đất nước, cô lập quyền lực với miền Bắc, chiến tranh Triều Tiên cùng sự tàn phá của nó và cuối cùng quyết định của Mỹ giảm viện trợ xuống mức “ủng hộ” và do đó không còn ky vọng để sự tăng trưởng kinh tế của miền Nam Triều Tiên duy trì liên tục”.

Cùng với việc giải phóng Triều Tiên và sự rút lui của người Nhật Bản, thu nhập bình quân đầu người của người dân Triều Tiên tăng nhanh trong những năm từ 1945 đến 1950. Chiến tranh đã biến nhiều cơ sở sản xuất, nhà cửa, cơ sở hạ tầng thành tro tàn và buộc người dân Triều Tiên phải xây dựng lại nền kinh tế từ đầu. Lawrence B. Krause đã mô tả những thiệt hại do cuộc chiến tranh Triều Tiên gây ra như sau:

“Sự chết chóc và tàn phá chiến tranh TriềuTiên gây ra thật nặng nề. Trong tổng số dân 30 triệu người; 1,3 triệu người được ghi nhận là đã chết, 2,8 triệu người bị thương... Người ta ước tính rằng cuộc chiến tranh đã phá huỷ một phần tư tài sản của đất nước. Thiệt hại vật chất ở Nam Triều Tiên được ước tính khoảng 3 tỷ USD trong khi tổng GNP của nền kinh tế chỉ khoảng 1,7 tỷ USD vào năm 1953”.

- Thứ năm: giai đoạn từ năm 1953 đến năm 1961 là thời kỳ khôi phục không cao, khi đó chính sách kinh tế tập trung vào thay thế nhập khẩu thực sự là một sự sai lầm, nhưng đầu tư của tư nhân và của nhà nước cho giáo dục (nhằm đào tạo một lực lượng lao động có trình độ để cung cấp cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động) đã được thực hiện thành công vào đầu những năm 60.

- Cuối cùng: giai đoạn từ năm 1962 đến năm 1996 là giai đoạn tăng trưởng nhanh, được bắt đầu bằng sự mở đầu của việc hoạch định kế hoạch kinh tế một cách có hệ thống theo kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1962-1966).



Thực hiện: Mai Xuân

Biên tập: nhóm website


Scroll To Top